Quần thể 4 khu cứu hộ vừa khánh thành là công trình được Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đầu tư và hoàn thiện sau 2 năm khởi công xây dựng nhằm mở rộng quy mô và diện tích cứu hộ gấu tại Việt Nam.
Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam có tổng diện tích 12ha với 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên và 2 khu chăm sóc gấu đặc biệt.
Sáng 5/11, tại Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam và Tổ chức Động vật châu Á cùng Bộ NN&PTNT đã tổ chức lễ khánh thành 4 khu chăm sóc và cứu hộ gấu theo hình thái bán tự nhiên.
Hiện nay, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam có tổng diện tích 12ha với 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên và 2 khu chăm sóc gấu đặc biệt, với tổng mức đầu tư trên 3,3 triệu USD, có thể nuôi nhốt 200 cá thể gấu cùng một lúc.
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006, đến nay Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đã cứu hộ và chăm sóc được 111 cá thể gấu với 2 loài gồm gấu ngựa và gấu chó từ các cơ sở nuôi nhốt hoặc từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Mục đích là nhằm trả lại cuộc sống an toàn và tự nhiên cho loài gấu tại Việt Nam, thoát khỏi nguy cơ bị xâm hại và tuyệt chủng, giúp chúng dần khôi phục sức khỏe và bản năng tự nhiên.
Theo Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam, trước đây gấu được cứu hộ về Trung tâm thường ở trong các cũi chật hẹp, chỉ khoảng 1m2. Khu bán tự nhiên này ra đời là không gian để cho các chú gấu đã được cứu hộ trở về với nhiên nhiên. Đây cũng là bước tiến quan trọng để loài gấu tái hòa nhập với môi trường vốn có của chúng.
Theo ước tính của các nhà khoa học và cơ quan kiểm lâm, hiện chỉ còn lại khoảng vài trăm cá thể gấu còn tồn tại trong môi trường rừng tự nhiên ở nước ta. Trong khi đó, vẫn đang còn khoảng 2.400 cá thể gấu khác tiếp tục bị nuôi nhốt tại các cơ sở nuôi để trích rút mật nhằm kinh doanh thu lời, vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo Đỗ Hương/Chinhphu.vn