Đây vẫn là nơi mà mỗi sáng vẫn vẳng lên tiếng trẻ học bài, tiếng thước gỗ gõ vào bảng bay bay bụi phấn. Mặc cho cái mưa, cái rét mỗi mùa vẫn gầm gừ, rú rít như dọa dẫm lũ trẻ thơ ngây.
Các em nhỏ vùng cao trong một buổi học
Tháng 10, cao nguyên đá Đồng Văn tấp nập du khách trong không khí thu mát mẻ và sắc hồng đẹp đến nao lòng của những cảnh đồng hoa Tam giác mạch. Trong không khí mát mẻ, rộn ràng bước chân du khách đến với một vùng di sản, ở đâu đó, khuất sâu sau những rặng núi nhấp nhô hùng vĩ, những tiếng ê a trẻ học bài như quẩn vào mây. Con chữ ở nơi chót vót rơi vào núi dường như chẳng liên quan gì tới những rộn ràng, rực rỡ của mùa hoa trên đá. Những con chữ vẫn gập ghềnh trèo lên trên con đường lắc lẻo xa, ê a nặng nề bởi những khó khăn, thiếu thốn.
Gập ghềnh con chữ lên mây
Đi hết cung đường hoa tháng 10 trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Những cánh đồng hoa Quảng bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Lũng Cú… với biết bao cảm xúc, biết bao xốn xang với không gian lãng mạn đẹp nao lòng khi sắc hồng phớt nhẹ nhàng của những bông hoa bé xíu hình tam giác phủ lên trên mầu xám xanh của đá, tô hồng cả màn sương bạc mỗi sớm mai, sưởi ấm cho không gian trập trùng mây- đá.
Qua Thị trấn Tam Sơn, Quảng Bạ, đổ dốc chín khoanh rồi rẽ về Lùng Tám, qua những cánh đồng ngô bát ngát bên dòng… đến Đường Thượng, Lũng Hồ. Tôi đi tìm nơi con chữ gập ghềnh ở một xã vùng cao heo hút nghèo, nơi mà những con đường vẫn còn ngại ngùng chưa đưa tới.
Đường vào Lũng Hồ nếu đi từ Quảng Bạ thì cũng phải qua hơn 4km đường đá hộc gập ghềnh, còn nếu đi từ hướng Bắc Mê chặng đường đá với những cục, tảng to như rá gạo, lên xuống, trơn trượt kéo dài hơn 10 cây số. Qua hết cung đường đến xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, Hà Giang, đôi tay bẻ lái, ôm cua, ghì đầu xe như tê dại. Đến con “ngựa sắt” cũng phải gằn lên, gầm gào, nghỉ mệt mấy lần mới bò hết quảng đường. Đoàn chúng tôi 4 con “ngựa sắt”, chả con nào không khụy gối ngã mấy lần, bê bết và ê ẩm. Hơn 10 cây số vào đến trung tâm xã cũng đi hết nửa ngày.
Anh Hạc, cán bộ Văn phòng Ủy ban xã nhìn chúng tôi vừa cười thông cảm, vừa ngậm ngùi chia sẻ: “Đấy, đường xã thế nên chả ai đến Lũng Hồ bao giờ anh ạ”. Uống hết chén nước trà cho vơi bớt mệt mỏi, anh Hạc và anh Sìn, công an xã tình nguyện dẫn chúng tôi lên trường với một câu giới thiệu ngắn nhưng vô cùng biểu cảm: “Lên trường còn 7 cây số nữa anh ạ, đường thì cũng “dễ” đi như lúc anh đến đây thôi !”.
Điểm trường cắm bản La Lủng Tủng cách trung tâm xã đúng 7 cây số, tuy nhiên đường xá thực tế thì còn xấu hơn nhiều lần so với lời giới thiệu cảu anh cán bộ Ủy ban. Cách La Lủng Tủng chừng 1km đường “quốc bộ” là điểm trường Phe Phà và tiếp nữa là Lùng Chủ Ván. Cả ba điểm trường cắm bản đều có một điểm chung mà như cô giáo Dương Thị Tuyến, từ Vị Xuyên lên dậy ở xã đã nhiều năm, hiện là giáo viên cắm bản ở La Lủng Tủng chia sẻ: “Mùa mưa vừa rồi, dột, em nhờ mấy anh thanh niên trong bản lợp lại nhà nhưng nhìn cái nhà nghiêng quá, chả anh nào dám trèo lên lợp lại vì sợ…sập”.
Căn nhà gỗ hổng hai tấm thì kín một tấm. Gió điều hòa đủ 4 mùa. Mưa thì nước dội từ trên xuống giữa lớp như vòi hoa sen trong nhà tắm tập thể, mưa từ xung quanh hắt vào không chừa lấy một gang. Mùa rét, các cô giáo phải lấy bạt nilon vây bốn xung quanh lại nhưng cũng chả che chắn được cái gió lạnh buốt, cắt da cắt thịt ở vùng núi đá. Ấy vậy mà đây vẫn là nơi mà mỗi sáng vẫn vẳng lên tiếng trẻ học bài, tiếng thước gỗ gõ vào bảng bay bay bụi phấn. Mặc cho cái mưa, cái rét mỗi mùa vẫn gầm gừ, rú rít như dọa dẫm lũ trẻ thơ ngây.
Trường khó, học khổ nhưng không vơi tình yêu con chữ
Mấy cô giáo cắm bản, cô nhiều tuổi nhất cũng chỉ chừng hơn bốn chục tuổi, cô trẻ thì chắc mới ra trường được một đôi năm. Các thầy cô giáo đều là người vùng thấp, từ Tuyên Quang, Việt Trì, TP. Hà Giang lên đây dạy học.
Cô Nguyễn Thị Tâm, người Tuyên Quang đang dậy ở điểm trường La Lủng Tủng chia sẻ: “Bọn em cắm bản ở La Lũng Tủng, Phe Phà tuy cơ sở vật chất, bàn ghế cũ nát, xiêu vẹo như vậy nhưng vẫn còn là sướng đấy, điểm trường giữa bản nên thuận tiện cho học sinh đi học, mùa rét, mùa mưa không thấy học sinh nghỉ học bao giờ”. Được biết, ở mấy điểm bản sâu hơn dăm, bẩy cây số nữa như Dìn Thàng, Làng Chư, Xu Chín… còn khó khăn hơn. Đường xá khó đi, mùa lạnh, các cháu toàn phải nghỉ học tránh rét, mùa mưa thì lo đường trơn, sạt núi… Các thầy cô giáo thường phải vào tận nhà động viên các cháu đến trường…
Nhìn lũ trẻ chăm chú nhìn lên, nghe cô giáo giảng bài giữa bốn bề gió núi. Những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng, những bộ dạng rụt rè khúm núm chào khách lạ đến thăm trường của lũ trẻ mà không khỏi bùi ngùi. Ngồi trước khoảng sân nhỏ trước lớp, nghe ê a tiếng trẻ đọc i tờ. Chạnh lòng nghĩ về việc dạy và học của lũ trẻ dưới xuôi mà cay cay trong dạ. Bao giờ bọn trẻ vùng cao mới được học ở một nơi “lớp ra lớp, trường ra trường” như ở miền xuôi.
“Nhà có hai mẹ con, con em hiện đang học nội trú ở trường cấp hai ngoài huyện. Em dậy cắm bản hơn chục năm nay ở Lũng Hồ, từ điểm bàn này đến điểm bản kia. Những năm trước cháu học ở xã, mẹ con còn được gặp nhau, từ khi cháu lên cấp hai phải ra huyện học, mỗi năm mẹ con chỉ gặp nhau được hai, ba lần, thương con lắm”, Cô giáo Tuyến ngậm ngùi chia sẻ hoàn cảnh của mình, làm mẹ đơn thân, chồng bạo bệnh mất từ khi đứa con trai chưa đầy ba tuổi.
Hơn chục năm trước, sau khi tốt nghiệp, Chị Tuyến lấy chồng người Tuyên Quang rồi hai vợ chồng rời quê lên Lũng Hồ, vợ dạy học, chồng buôn bán ở xã. Từ khi anh qua đời, mình chị tha lôi cậu con trai khắp xã, chị dậy bản nào thì lại mang con theo đó cho đến khi cậu con trai học đến cấp hai, lên trường nội trú thì còn lại mình chị ở lại đây. Chị bày tỏ: “Hơn chục năm cắm bản, giờ đã quen rồi, với lại yêu bọn trẻ, quê em trước kia bọn trẻ cũng khó khăn thế này nên lại càng yêu hơn. Em lúc bé được bố mẹ cho đi học mà thoát cảnh nghèo, nên giờ thương lũ trẻ nghèo, cũng muốn chúng học có cái chữ để thoát nghèo, thoát khổ anh ạ…”./.
Theo CTV Vũ Thanh/VOV.VN