Cập nhật: 24/11/2014 09:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày đại đoàn kết này nỗ lực kết nối những giá trị văn hóa của Ngôi nhà chung ASEAN, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp...

Lễ hội cầu mưa của dân tộc Gia Rai, Kon Tum

Những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội đã kết thúc sau 3 ngày diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú và mang đậm bản sắc của các nước ASEAN. Sự kiện đặc sắc này chính là  nỗ lực kết nối những giá trị văn hóa của Ngôi nhà chung ASEAN, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người dân và du khách.

Diễn ra từ ngày 20 đến 23/11, những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” gồm nhiều hoạt động như: giới thiệu, quảng bá du lịch, hình ảnh đất nước, con người;  giới thiệu di sản văn hóa, thể thao truyền thống các nước trong khối ASEAN, được Đại sứ quán các nước trong khu vực nhiệt tình hưởng ứng.

Về phía nước chủ nhà Việt Nam có khoảng 200 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào của 10 dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Bình Thuận, Kon Tum, Đắk Lắk tham gia nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống tạo nên bức tranh văn hóa đa màu sắc của các dân tộc.

Ông A Thút, nghệ nhân cồng chiêng người Ba Na ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Đây là một sự kiện trọng đại, cộng đồng chúng tôi về đây với mục đích giới thiệu những sản phẩm đặc sắc của dân tộc Ba Na, chẳng hạn như múa xoan, cồng chiêng rồi hát dân ca, múa hát tỏ tình và giới thiệu cái nghề đan lát, giữ cái nghề truyền thống, giữ lại văn hóa của ông bà tổ tiên. Nhà nước tổ chức được như thế này rất là tốt”.

Điểm nhấn khá ấn tượng của sự kiện này là phần tái hiện các lễ hội truyền thống. Du khách được giao lưu, tìm hiểu những lễ hội, phong tục đặc sắc của các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em. Từ Lễ cầu an của đồng bào Ba Na, Tết Xíp Xí của người Thái, Lễ hội cầu mưa của dân tộc Gia Rai đến Lễ rước cây nêu của dân tộc Ê Đê, lễ hội Katê của đồng bào Chăm.... đều được tái hiện sinh động và hấp dẫn. Người xem còn được hòa mình trong những điệu múa, điệu nhảy, tiếng cồng chiêng, được vít cần thưởng thức men rượu cần nồng say của bà con.

Chị Vũ Thị Ngọc, du khách ở Hải Phòng cảm nhận: “Đến với không gian di sản văn hóa ASEAN lần này, có thể thấy đây là không gian văn hóa rất đặc sắc của nhiều vùng, miền của Việt Nam và các nước ASEAN. Những người chưa có nhiều hiểu biết về nền văn hóa dân tộc cũng như nền văn hóa các nước ASEAN thì sẽ tăng cường thêm sự hiểu biết và tình yêu văn hóa, thúc đẩy sự đoàn kết, gắn bó với các nước ASEAN. Bởi vì chúng ta có những tương đồng trong văn hóa, khi chúng ta giao lưu thì đây là cơ sở để giữ gìn hòa bình và an ninh khu vực”.

Còn bà Thongmy Duansakda, Bí thư thứ 2, Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam thì cho biết: “Tôi rất thích văn hóa Việt Nam. Nó đa dạng, phong phú thể hiện được nét độc đáo. Việt Nam và Lào có rất nhiều sự tương đồng. Với sự kiện này chúng tôi mong muốn các nước ASEAN của chúng ta trở thành cộng đồng vững mạnh về kinh tế, văn hóa, giáo dục… nói chung là toàn diện”.

Việc tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh du lịch của các quốc gia thành viên được các doanh nghiệp du lịch quốc tế đánh giá là cơ hội tốt để bảo tồn, phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về văn hóa, du lịch của mỗi nước, đồng thời thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa các nước.

Ông Ahmad Zakim, Giám đốc Văn phòng Cục xúc tiến du lịch Malaysia tại Việt Nam cho biết: “Thực ra, bao giờ lượng khách du lịch từ Malaysia sang Việt Nam bao giờ cũng lớn hơn từ Việt Nam sang Malaysia khoảng hơn 100 nghìn. Tôi cũng hy vọng là qua sự hợp tác du lịch và các hoạt động xúc tiến du lịch của chúng tôi tại thị trường Việt Nam thì sẽ có nhiều người Việt Nam đến Malaysia để nghỉ dưỡng. Các bạn cũng nên tưng cường tham quan, học hỏi kinh nghiệm các nước trên nhiều lĩnh vực khác. Tôi hy vọng các nước ASEAN sẽ phát triển thành một khối vững mạnh”.

Chuỗi hoạt động của những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” đã góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống giàu bản sắc của Việt Nam, là cơ hội hợp tác quảng bá, giới thiệu giá trị các Di sản văn hóa thế giới của  Việt Nam và các nước ASEAN, qua đó tăng cường sự hiểu biết, gắn kết các quốc gia trên nhiều lĩnh vực chính trị- kinh tế- văn hóa xã hội, cùng hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN thịnh vượng và bền vững./.

 

Theo Bắc, Đào Yến/VOV.VN

Tệp đính kèm