Cập nhật: 03/12/2014 09:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dầu mỏ là mặt hàng quan trọng nhất ảnh hưởng tới tình hình địa chính trị quốc tế hiện nay và bất kỳ sự thay đổi nào về cơ cấu thị trường đều sẽ có ảnh hưởng ở quy mô toàn thế giới.

Ảnh minh họa

Theo hãng tin Bloomberg mới đây, giá dầu đã giảm 37% trong năm nay và về lý thuyết, hoạt động sản xuất dầu vẫn tiếp tục cho đến khi giá thành thấp hơn chi phí khai thác hằng ngày.

Gặp sốc là sốt

Có dự báo cho rằng giá dầu có thể giảm từ gần 70 USD/thùng hiện nay xuống 40 USD hoặc thấp hơn, điều từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. “Giá dầu có thể tụt xuống 30-40 USD/thùng. Nó từng ở mức 35 USD/thùng trong thời gian rất ngắn hồi năm 2008” - ông Murray Edwards, Chủ tịch Công ty Canadian Natural Resources Ltd, nói với báo Canada Post mới đây.

Đầu tháng 10/2014, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tính đến việc điều gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế thế giới nếu cuộc khủng hoảng ở Iraq tạo ra một cú sốc về giá dầu. Trong khi các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) tự xưng tăng cường mở rộng quyền kiểm soát ở phía bắc Iraq, IMF đã lo lắng giá dầu có thể sẽ tăng mạnh 20%, dẫn đến GDP toàn cầu có thể giảm 0,5 - 1,5% điểm phần trăm. Giá cổ phiếu ở các quốc gia phát triển có thể sẽ giảm khoảng 3 - 7% và lạm phát sẽ tăng ít nhất là 0,5 điểm phần trăm.

Việc giá dầu duy trì ở mức thấp trong một khoảng thời gian sẽ gây nhiều khó khăn cho những nước sản xuất nhiều dầu mỏ, đặt biệt, những nước đang sống nhờ vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí sẽ sốc mạnh, nhất là Nga, Iran, Venezuela...

Theo tính toán hồi tháng 10 của IMF, Iran và Nga cần giá dầu lần lượt ở 136 và 101 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Con số này với Venezuela và Nigeria là 120 USD/thùng. Ngoài ra, một số “đại gia” như Kuwait, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất... có thể bị lỗ nếu giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng.

Với việc dầu khí chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 50% ngân sách liên bang, giới phân tích cho rằng Nga đặc biệt dễ bị tổn thương khi giá dầu không ngừng đi xuống. Theo họ, Moscow không còn dựa được vào nguồn thu này để giải cứu nền kinh tế đang bị các biện pháp trừng phạt của phương Tây “gây khó dễ”.

Tại Iran, dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ chủ chốt. Dự kiến nguồn thu từ dầu thô sẽ thiếu hụt 8%-10% vì ngân sách đã được tính toán trên cơ sở giá dầu 100 USD/thùng. Đối với Venezuela, tình hình cân đối ngân sách đang trở nên trầm trọng và có thể mất khả năng chi trả do giá dầu giảm. Nigeria cũng rơi vào tình hình tương tự khi dầu thô chiếm 83% kim ngạch xuất khẩu và 70% nguồn thu ngân sách.

“Ấm” hơn nhờ cơn sốc

Theo đánh giá của báo The Economist (Anh), một khi giá dầu thô giảm, các nước nhập khẩu dầu thô sẽ hưởng lợi đầu tiên.

Ước tính Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thứ hai thế giới sẽ tiết kiệm được 60 tỉ euro mỗi năm. Nếu giá dầu ở mức 85 USD/thùng, Liên minh châu Âu chỉ phải chi dưới 400 tỉ euro thay vì 500 tỉ euro mỗi năm.

Khi giá dầu thô giảm, giá chất đốt xăng dầu giảm theo. Từ đó, các phương tiện vận chuyển giảm cước kéo theo nhiều mặt hàng giảm giá. Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận lúc đó sức mua của các hộ gia đình sẽ được kích thích.

Nhiều nền kinh tế châu Âu đang nhập khẩu dầu nên giá dầu giảm nhiều khả năng sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, dù không nhiều. Giá năng lượng rẻ hơn sẽ giảm chi phí của ngành công nghiệp trong lúc người tiêu dùng có thêm tiền chi tiêu do giá xăng giảm, một kịch bản đặc biệt có lợi tại những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao.

Bộ Năng lượng Mỹ tính toán nếu giá dầu giảm còn 70 USD/thùng, các hộ gia đình Mỹ sẽ tiết kiệm được 30 tỉ USD mỗi năm. Chi phí sản xuất của các doanh nghiệp có tiêu thụ năng lượng cũng sẽ giảm, đặc biệt đối với các hãng hàng không với chi phí xăng dầu chiếm 30%-35%.

Tại một số nước châu Á khác, tác động của giá dầu thấp là khác nhau. Chẳng hạn căng thẳng quanh việc chính phủ giảm trợ giá xăng dầu sẽ dịu bớt tại Indonesia trong lúc Malaysia ít nhiều tổn thất do là nước xuất khẩu dầu.

An Bình

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm