Cập nhật: 10/12/2014 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Nhà văn Việt Nam thành lập trung tâm giám định, lưu trữ bản thảo gốc tác phẩm của các tác giả trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam.”

Nhà nghiên cứu Cao Đắc Điểm phát biểu tại hội thảo (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Thông tin trên được ông Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam cho biết tại Hội thảo “Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học” diễn ra hôm qua ngày (9/12) tại Hà Nội. Chương trình do Cục Bản quyền Tác giả và Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo ông Hàn, khi in ấn, phát hành tác phẩm của các tác giả văn học Việt Nam, các đơn vị xuất bản phải sử dụng bản thảo nguyên gốc của tác phẩm được lưu trữ trong kho dữ liệu này.

“Điều này để đảm bảo sự toàn vẹn tác phẩm, chống cắt xén, xuyên tạc gây ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả,” ông Đỗ Hàn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả cho rằng, hiện có rất nhiều bản in tác phẩm văn học Việt Nam đang lưu hành trên thị trường nhưng không đảm bảo nguyên gốc.

“Khi in ấn, các đơn vị phát hành đã tự tiện cắt cúp đi nhiều nội dung. Đó là chưa kể, không ít trường hợp, các nhà xuất bản tự biên tập lại nội dung, dẫn đến những sai sót nghiêm trọng,” nhà nghiên cứu Cao Đắc Điểm chia sẻ.

Dẫn chứng về điều này, ông Điểm chỉ rõ: “Lều chõng” (Ngô Tất Tố) được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản năm 2014. Ở lần tái bản này, tác phẩm đã bị cắt bỏ gần 20 chỗ (câu hoặc đoạn văn).

“Điển hình nhất là ba đoạn văn viết về ‘Bói Kiều,’ về đầu đề bài thi với chú giải của chính Ngô Tất Tố. Bên cạnh đó, cả một đoạn dài gần 450 chữ thuật lại việc làm bài thuê ngay tại trường thi cũng đã bị cắt bỏ khỏi sách,” nhà nghiên cứu Cao Đắc Điểm cho biết.

Theo ông Điểm, nhiều sáng tác khác của nhà văn Ngô Tất Tố cũng bị cắt xén nội dung trong các lần tái bản. Bản in “Việc làng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản năm 2014) đã bị cắt bỏ hai đoạn văn quan trọng so với nguyên tác: một đoạn ở phần 6 - “Góc chiếu giữa đình” và một đoạn ở phần 12 - “Một tiệc ăn vạ.”

Nhà nghiên cứu này cho rằng, việc cắt xén như vậy gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính chỉnh thể, toàn vẹn của tác phẩm, làm phương hại đến ý đồ nghệ thuật của nhà văn.

Xuất phát từ thực trạng này, ông Cao Đắc Điểm cho rằng, Cục Bản quyền Tác giả, Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam cần nhanh chóng thành lập bộ phận chuyên khảo cứu “văn bản học” nhằm khôi phục và khẳng định nguyên gốc các sáng tác của các tác giả văn học Việt Nam.

“Việc số hóa nhằm bảo tồn một cách khoa học, có hệ thống toàn bộ sáng tác của các tác giả trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam theo đúng nguyên gốc đang là một nhu cầu thiết thực, đòi hỏi cấp bách hiện nay,” ông Điểm bày tỏ quan điểm./.

 

AN NGỌC (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/de-xuat-thanh-lap-trung-tam-luu-tru-ban-goc-tac-pham-van-hoc/295691.vnp

Tệp đính kèm