Cập nhật: 12/12/2014 09:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết “Khúc quanh định mệnh” của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu.

Tôi đọc cuốn tiểu thuyết “Dưới tán rừng lặng lẽ” của Phạm Ngọc Chiểu năm 1987 và thích lối viết của ông từ đấy. Đặc biệt là việc đầu những năm Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới, ông đã xây dựng nhân vật “Bí thư tỉnh ủy” với những nét đời thường, không khuôn sáo.

Ngày 7/11/2014, gặp lại ông trên Công trường Thanh niên Cộng sản xây dựng thủy điện Hòa Bình, tôi mừng vì ông vẫn khỏe và được ông tặng cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình “Khúc quanh định mệnh”. Không kể các tập truyện ngắn, truyện vừa, đây là cuốn tiểu thuyết thứ 10 của ông.

Tôi đọc một mạch hơn 300 trang sách khổ 13,5 x 20,5cm. Khi khép lại trang cuối cùng, một câu ca từ rất xưa lại vọng về trong tâm tưởng: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi/Mẹ hiền ru những câu xa vời/À à ơi. Tiếng ru muôn đời/Tiếng nước tôi. Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…” (Tình ca của Phạm Duy).

Có lẽ vì mở đầu cuốn sách, Phạm Ngọc Chiểu trân trọng ghi “Kính dâng hương hồn Mẹ” và “khúc mở” của cuốn tiểu thuyết, tác giả bắt đầu bằng chuyện đám tang của bà Tầm, một bà lão thọ 84 tuổi, 36 năm sống cảnh góa bụa, một mình nuôi hai con thơ nên người. Người anh trở thành nhà văn, ngược hẳn với ước mơ ban đầu học về Vật lý nguyên tử, người em “sống bằng cầm lái ô tô”. Hai con bà đã phải đi con đường vòng. Người đầu 38 năm, người sau 23 năm.

Tất cả bắt đầu bằng cái chết tức tưởi của người cha được Đảng bí mật cử ra làm “lý trưởng hai mang” trong vùng Pháp tạm chiếm, bị chính đội “diệt Tề” giết hại trong lúc người con cả là cán bộ thoát ly vừa hy sinh anh dũng. Cái án oan ấy cứ đeo đẳng mãi hai anh em… vùi dập họ gần hết cuộc đời.

Rất may, cả hai anh em đều quyết chí vượt qua số phận. Người anh tốt nghiệp lớp 10 tháng 5/1963, đã tưởng sẽ được đi học Vật lý tại trường đại học Lomonoxop (Liên Xô) vì học giỏi, em liệt sĩ. Nhưng không, số phận không mỉm cười với anh… Ở nhà, sau 4 năm làm ruộng, ba lần xung phong đi bộ đội không được vì “lý lịch”, anh tình nguyện đi Thanh niên xung phong, rồi công nhân mở đường, rồi giáo viên dạy văn hóa cho đơn vị. Anh ham viết văn, làm thơ và được điều về Ty văn hóa tỉnh. Sau đó, anh đi học viết văn ở trường viết  văn Nguyễn Du. Chặng đường 38 năm.

Người em, Phạm Minh Hùng, 10 lần tình nguyện đi bộ đội, đi Thanh niên xung phong mà không được, đến khi được học lái xe, trải biết bao công trường, qua bao thử thách… sau 23 năm mới có được tấm bằng lái xe mang chính tên mình.

Ở tuổi ngoài 70, dường như Phạm Ngọc Chiểu càng kiệm lời. Câu văn ông mạch lạc, khúc triết. Các tuyến nhân vật, các câu chuyện đan xen, chồng chéo, thật khó cho những ai chỉ đọc loáng thoáng. Cũng thật khó cho những người thuộc lứa 8x, 9x hôm nay… Nhưng xin hãy đọc. Đọc về những cung đường Thanh niên xung phong ông kể, những sinh hoạt trong đơn vị, những công trường Đà Bắc, Sơn La, Lai Châu, Mường Tè… xuất hiện trong tiểu  thuyết của ông.

Thật là may, người viết bài này cũng được đôi chút nếm trải cuộc sống và những cung đường… ông kể, nên thấy ông viết rất thật, rất sống động… Bạn đọc muốn hiểu về nông thôn Nam Định những năm 1960 hay những vùng đất xa xôi Lào Cai, Yên Bái… hay về cuộc sống của những công nhân làm đường, thanh niên xung phong… xin hãy đọc cuốn sách này.

Điều đáng nói là, ông không kể về những khó khăn, gian khổ, hy sinh trong lao động, chiến đấu. Ông chỉ lướt qua để tập trung vào những vất vả, vật vã của những con người muốn vươn lên khỏi sự kỳ thị định kiến để khẳng định mình, để đóng góp sức mình cho đất nước.

Trong cuốn sách, đa phần là người tốt. Chính vì gặp nhiều người tốt nên hai anh em Ngọc - Hùng mới vượt qua được số phận của mình. Chính vì đất nước ta có một “Nhân dân” anh hùng, những “Bà mẹ anh hùng” như mẹ Tầm mà chúng ta đã thắng trong cuộc chiến đấu lâu dài vì độc lập, thống nhất đất nước. Cái “Thiện” bao giờ cũng thắng cái “Ác”.

Trong cuốn tiểu thuyết này, có một nhân vật ẩn danh, gần cuối mới lộ diện nhưng lúc nào cũng xuất hiện trong cuộc sống của gia đình bà Tầm. Đó là người chưa đầy 17 tuổi đã dẫn đầu đoàn người đi cướp chính quyền. Trở thành Đảng viên khi chưa tròn 18 tuổi, được đào tạo cơ bản, học trong nước, học ngoài nước, trọn đời phấn đấu vì lý tưởng của Đảng… Đây chính là người bí mật đề nghị cụ thân sinh hai anh em Ngọc - Hùng ra làm lý trưởng, lại cũng là người cứu chú út (Hùng) khỏi cơn thập tử nhất sinh… - ông Trọng Hà.

Gần cuối cuộc đời, khi ba nhân vật này gặp nhau, ông Trọng Hà bàng hoàng nhận ra rằng, dường như cuộc đời ông trở lại đúng vị thế của thủa ban đầu, khi đất nước bước vào một khúc ngoặt còn “long trời lở đất” hơn những gì ba người đã phải trải qua.

Phần vĩ thanh của cuốn tiểu thuyết “Khúc quanh định mệnh” dừng lại ở câu thơ lục bát mà ông Trọng Hà đọc theo điệu trống quân: “Đã nguyền theo Đảng trọn đời/Thì dù dông bão tơi bời vẫn theo…”. Kết thúc ở đây, đúng là Phạm Ngọc Chiểu chưa muốn kết thúc câu  chuyện của “đứa con tinh thần” của mình./.

 

Theo CTV Thanh Vũ/VOV.VN

Tệp đính kèm