Vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt 13 năm của Mỹ tại Afghanistan, vốn được bắt đầu sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2011.
Với tuyên bố chấm dứt sứ mệnh tác chiến, khoảng 12.500 lính Mỹ và binh lính các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở lại Afghanistan cho tới năm 2016 để tham gia một chương trình mang tên: “Sứ mệnh hỗ trợ cương quyết” có nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện cho các lực lượng bản địa và chống sự nổi dậy của các tay súng Taliban.
Thông cáo báo chí ngày 28/12 của Tổng thống Obama nhấn mạnh: "Trong hơn 13 năm qua, kể từ khi mạng sống của gần 3.000 nạn nhân vô tội của chúng ta bị cướp đi trong sự kiện 11/9, đất nước chúng ta đã tham gia cuộc chiến ở Afghanistan. Nay, nhờ có sự hy sinh phi thường của những người Mỹ mang quân phục, sứ mệnh chiến đấu của chúng ta tại Afghanistan đã chấm dứt và cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng kết thúc một cách có trách nhiệm" .
Tuyên bố của Tổng thống Obama được đưa ra một ngày sau một buổi lễ chính thức được tổ chức ngày 27/12 tại thủ đô Kabul của Afghanistan nhằm đánh dấu mốc cho việc kết thúc “mang tính biểu tượng” cho cuộc chiến này. Tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của lính Mỹ và NATO được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan vẫn thường xuyên bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bạo lực và khủng bố. Thông cáo báo chí của Tổng thống Obama thừa nhận Afghanistan vẫn là một nơi nguy hiểm nhưng “hôm nay chúng ta an toàn hơn và nước Mỹ cũng an toàn hơn nhờ vào sự hy sinh của binh lính Mỹ”.
Lúc cao điểm, có khoảng 140.000 binh sĩ của 50 quốc gia tham gia vào chiến dịch tại Afghanistan. 13 năm tham chiến kể từ 2001, các lực lượng của Mỹ và đồng minh đã có 3.485 binh lính tử trận, trong đó có hơn 2.200 binh sĩ Mỹ, hàng nghìn người khác bị thương.
Phát biểu tại buổi lễ chuyển giao sứ mệnh chiến đấu tại tại thủ đô Kabul, hôm 27/12, Chỉ huy lực lượng NATO tại Afghanistan, Tướng John Campbell phải thừa nhận con đường phía trước mặt vẫn còn nhiều thách thức và nguy cơ. Buổi lễ này sẽ hoàn thành việc chuyển giao từng bước trách nhiệm an ninh cho các lực lượng vũ trang Afghanistan với 350.000 người. Lực lượng này đã nhận trách nhiệm an ninh quốc gia kể từ giữa năm ngoái.
Năm 2014 là năm nhiều thương vong nhất trong cuộc chiến tại Afghanistan với hơn 4000 binh lính và cảnh sát Afghanistan thiệt mạng, các cuộc xung đột cũng đã cướp đi hơn 2000 binh lính Mỹ.
Báo cáo của Financial Times và một số tổ chức độc lập khác cho hay Mỹ đã tiêu tốn hơn 1 nghìn tỷ USD cho cuộc chiến tại Afghanistan.
Từ 1/1/2015, nhiệm vụ chiến đấu của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế do Mỹ đứng đầu (ISAF) sẽ được thay thế bằng nhiệm vụ “huấn luyện và trợ giúp” của NATO, giúp đỡ quân đội và cảnh sát Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban.
Các chỉ huy của Mỹ cho rằng, các lực lượng Afghanistan có thể đảm nhiệm được vấn đề an ninh trước thách thức Taliban, nhưng nhiều người lo ngại kịch bản Iraq sẽ lặp lại – khi quân đội Iraq do Mỹ huấn luyện thực tế đã sụp đổ trước sự tấn công của Nhà nước Hồi giáo. Tháng 12/2011, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố chấm dứt cuộc chiến, rút toàn bộ linh Mỹ ra khỏi Iraq. Kể từ đó, Iraq rơi vào vòng xoáy bạo lực và nội chiến, buộc Washington vào tháng 8/2014 lại một lần nữa phải điều hàng nghìn quân và phát động chiến dịch không kích chống lại nhóm vũ trang “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, không chỉ ở Iraq mà ở cả Syria.
Nguyễn Chiến
Theo Chinhphu.vn