Năm 2014 khép lại với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Ban Văn hóa, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam điểm lại 10 sự kiện nổi bật trong các lĩnh vực trên:
UNESCO vinh danh Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là Di sản văn hóa Thế giới (Ảnh: K.T)
1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI (Nghị quyết 33- NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngày 9/6/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, đặt nền móng và là kim chỉ nam cho sự phát triển văn hóa trong những năm tiếp theo. Nghị quyết kế thừa những quan điểm, chủ trương, nội dung và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, tổng kết lý luận và thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong những năm qua, nhất là việc chỉ ra những thành tựu, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Nghị quyết đã thể hiện tư duy mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trong đó Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.
2. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, tổng thu từ du lịch năm 2014 đạt 230 ngàn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), cao nhất từ trước tới nay.Năm 2014, có thể nói là năm khó khăn nhất đối với Du lịch Việt Nam. Bởi du lịch Việt Nam không chỉ bị tác động bởi suy thoái kinh tế trên toàn cầu mà du lịch Việt Nam còn chịu ảnh hưởng kép từ những căng thẳng ở biển Đông. Số lượng khách du lịch quốc tế giảm sụt giảm đột ngột, đặc biệt là cộng đồng nói tiếng Trung. Trước tình hình đó, Du lịch Việt Nam đã chủ động ứng phó với tình hình, tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách để hoạt động du lịch ổn định và phát triển, đạt được tổng thu cao nhất từ trước tới nay.
3. UNESCO vinh danh Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa thế giới.
Tại kỳ họp lần thứ 38, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức đưa Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) vào Danh mục Di sản Thế giới. Ngày 24 - 28/11, tại Paris, Pháp, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã họp kỳ họp thứ 9, 100% thành viên Hội đồng Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO đã nhất trí bỏ phiếu vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc Quần thể danh thắng Tràng An và Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được Vinh danh là di sản thế giới đã góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam, minh chứng Việt Nam có bề dày văn hóa truyền thống lâu đời, với nhiều loại hình di sản độc đáo, được các thế hệ người Việt lưu giữ, bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại.
4. Thể thao Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao người Khuyết tật Châu Á lần thứ II-Asian Paragames II tại Incheon, Hàn Quốc tháng 10 năm 2014 (xếp thứ 10/43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự).
Việt Nam tham gia Đại hội Thể thao người Khuyết tật Châu Á lần thứ II-Asian Paragames II tại Incheon, Hàn Quốc tháng 10 năm 2014 với 6/23 môn. Với nỗ lực quyết tâm cao, các vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành 9 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc và 13 huy chương Đồng, phá kỷ lục thế giới và Châu Á ở các môn Cử tạ và Bơi lội, xếp hạng 10/43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội. Đây là sự kiện đáng ghi nhận của Thể thao người khuyết tật Việt Nam trong năm 2014, đánh dấu sự tiến bộ và phát triển về môn cũng như thể hiện rõ ý chí, nghị lực của các vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam tại sự kiện thể thao quốc tế cấp Châu Á.
5. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền về biển đảo: Từ 2/5/2014 Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta dẫn tới những căng thẳng ở biển Đông. Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, nhân dân cả nước luôn hướng về Biển đảo; các đơn vị, bộ, ban ngành đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Liên hoan tuyên truyền lưu động “Biên giới và biển đảo Việt Nam”, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 – “Chung tay bảo vệ đại dương xanh”
Năm 2014 là năm có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước (Ảnh:K.T)
6. Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi chào mừng 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954/7/5/2014), 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954/10/10/2014), 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944/22/12/2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989/22/12/2014).
Cùng với lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành hoành tráng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên, trong dịp 22/12, có rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng như: Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân; Triển lãm mỹ thuật 70 năm về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang; các chương trình giao lưu nghệ thuật, cầu truyền hình với chủ đề: “Rực lửa anh hùng”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Vinh quang Bộ đội Cụ Hồ”, “Vang mãi khúc quân hành”…
7. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2014, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới tiêu biểu nhất là các hoạt động văn hóa văn nghệ kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt. Kỷ niệm sự kiện trọng đại này, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Năm Việt Nam tại Pháp với gần 80 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Pháp.
8. Một năm không thành công của thể thao nước nhà. Năm 2014 được coi là năm không thành công của thể thao Việt Nam, khi thể thao Việt Nam để tuột không ít những cơ hội đột phá. Ở những cuộc đấu quan trọng bậc nhất, chúng ta đã không hoàn thành chỉ tiêu (chỉ đoạt được duy nhất một huy chương vàng ở ASIAD, đứng thứ 21 châu lục và hạng sáu khu vực). Đây đã là lần thứ hai liên tiếp, đoàn quân tranh tài ở Á vận hội trở về với bảng thành tích nghèo nàn đến vậy. Bên cạnh đó, năm qua thể thao Việt Nam ghi dấu ấn buồn khi Đội tuyển bóng đá nam bất ngờ "ngã ngựa" tại Giải vô địch Đông - Nam Á. Môn thể thao vua năm qua cũng khiến khán giả vô cùng thất vọng bởi việc bán độ của một số cầu thủ CLB Vissai Ninh Bình…
9. Siết chặt kỷ cương trong hoạt động báo chí, xuất bản: Năm 2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt hành chính hàng chục lượt cơ quan báo chí vì đã thông tin sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, đăng thông tin, hình ảnh phản cảm, gây tác động không tốt trong dư luận, với số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát hiện, xử lý 306 xuất bản phẩm vi phạm của 41 nhà xuất bản (NXB). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam tạm dừng hoạt động của NXB Văn hóa - Thông tin và NXB Thời đại để kiện toàn hoạt động đối với hai NXB này. Động thái này được dư luận hoan nghênh vì đã góp phần thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động báo chí, xuất bản ở nước ta
10. Lùm xum về hoa hậu, người mẫu: Năm 2014 Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi trong nước và quốc tế, nhưng không ít cuộc thi đã để lại điều tiếng xấu. Đặc biệt việc người đẹp hình thể Trần Ngọc Bích vứt danh hiệu vào thùng rác (trong cuộc thi nữ hoàng sắc đẹp), hay việc Triệu Thị Hà xin trả vương miện Hoa hậu Dân tộc… đã cho thấy nhiều vấn đề cần bàn từ các cuộc thi hoa hậu, người đẹp hiện nay.
Theo Ban Văn hóa/Báo điện tử ĐCSV N