Cập nhật: 10/01/2015 11:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.

Quy chế này quy định nội dung, quy trình và trách nhiệm phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và giải quyết các vụ việc theo Quy định sử dụng đường dây nóng giữa Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

Trong đó, nguyên tắc phối hợp là đảm bảo tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Nội dung phối hợp là tiếp nhận, trao đổi, xử lý thông tin, đề xuất và thống nhất phương án xử lý vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển đối với các vụ việc về: Tranh chấp nghề cá trên biển; sự cố nghề cá trên biển; tránh nạn khẩn cấp; xử lý tàu cá và ngư dân; giải quyết các vụ việc theo phương án xử lý đã thống nhất.

Cơ quan đầu mối triển khai Quy định sử dụng đường dây nóng phía Việt Nam là Cục Kiểm ngư - Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Kiểm ngư).

Các cơ quan tiếp nhận thông tin gồm:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trung tâm Quan sát tàu cá, Trung tâm Thông tin Kiểm ngư, Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản.

- Bộ Quốc phòng: Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân.

- Bộ Giao thông vận tải: Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam), Trung tâm phối hợp Tìm kiếm và Cứu nạn hàng hải Việt Nam.

- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn: Trung tâm Quốc gia Điều hành tìm kiếm cứu nạn.

- UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương: Hệ thống Trạm bờ thuộc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương các cấp.

Xử lý thông tin

Cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm gửi thông tin cho Cơ quan đầu mối không quá 1 giờ kể từ khi nhận được thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

Cục Kiểm ngư gửi thông tin cho cơ quan chủ trì xử lý trong thời gian không quá 30 phút kể từ khi nhận được thông tin.

Cơ quan chủ trì xử lý trong thời gian không quá: 1 giờ đối với trường hợp tránh nạn khẩn cấp; 2 giờ đối với sự cố nghề cá trên biển; 20 giờ đối với trường hợp tranh chấp nghề cá trên biển; 40 giờ đối với trường hợp bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân kể từ khi nhận thông tin từ cơ quan đầu mối./.

 

 

Theo ĐT / Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm