Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Đỗ Ngọc Giang/TTXVN)
Hội nghị nhằm đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, kết quả đã đạt được, hạn chế và nguyên nhân rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở.
Trên cơ sở đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, các đại biểu đề xuất giải pháp có tính cấp thiết, lâu dài nhằm tổ chức và quản lý lễ hội năm 2015 theo hướng khoa học, tiến bộ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nêu rõ việc tổ chức, quản lý các hoạt động lễ hội muốn thành công, an toàn, văn minh cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chứ không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa.
So với những năm trước, việc tổ chức và quản lý lễ hội năm 2014 đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tốt là nhờ sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương.
Trong năm 2015, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần phải thực hiện tốt hơn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn năm 2014, đặc biệt là ở những vấn đề còn tồn tại, mà dư luận xã hội quan tâm.
Trước tiên, các địa phương, các ban quản lý di tích, lễ hội và đặc biệt là Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam cần phối hợp để quản lý, thực hiện tốt việc giảm tối đa hiện tượng đốt đồ mà, vàng mã.
Hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã ở nhiều di tích, lễ hội đã giảm nhưng tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) vẫn còn quá nhiều, tạo thành hiện tượng đáng chú ý trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2014.
Tỉnh Bắc Ninh và Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi để góp phần làm giảm hiện tượng này ở đền Bà Chúa Kho.
Những năm trước, hiện tượng tranh cướp ấn đền Trần trong Lễ hội Đền Trần đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã nghiên cứu, đề xuất, thực hiện đề án tổ chức Lễ hội theo hướng đổi mới, không phát ấn trong đêm khai ấn. Việc làm này đã hạn chế các hiện tượng, hành vi phản cảm tại lễ hội này.
Đến nay, sau ba năm thực hiện theo hướng đổi mới nhưng Lễ hội Đền Trần vẫn thu hút thêm ngày càng đông đảo du khách thập phương. Thêm vào đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cũng nghiên cứu, phục dựng thành công nhiều nghi lễ văn hóa đã mai một, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Về vấn đề quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, đây là việc làm nhạy cảm và khó khăn, không thể thực hiện trong thời gian ngắn song là việc cần phải làm để nguồn đóng góp, tấm lòng của khách thập phương được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về di tích lịch sử, giá trị văn hóa của lễ hội và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, hiện vật lạ không phù hợp với văn hóa Việt Nam trong các di tích, lễ hội. Việc loại bỏ các sản phẩm, hiện vật trong các di tích, nơi thờ tự, nơi công cộng thời gian qua ở nhiều địa phương đã được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Vẫn còn bất cập trong tổ chức, quản lý lễ hội
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2014 trên địa bàn cả nước đã thành công, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách; việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.
Ý thức của nhân dân, du khách tham gia lễ hội đã được nâng cao, các hiện tượng phản cảm trong lễ hội không còn phổ biến như trước.
Năm 2014, nhiệm vụ đột phá trong tổ chức, quản lý lễ hội là hạn chế đốt đồ mã, chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội được triển khai thực hiện. Việc này đã bước đầu tạo được sự đồng thuận trong xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tình trạng sử dụng tiền lẻ tùy tiện gây phản cảm tại lễ hội, công trình tín ngưỡng, di tích đã giảm rất nhiều...
Tuy vậy, trong hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội năm 2014 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mà không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Đó là hiện tượng chen lấn, xô đẩy tại các lễ hội nhất là các lễ hội quy mô lớn, kéo dài nhiều ngày như lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định), lễ Cướp Phết (Vĩnh Phúc)...
Bên cạnh đó, các lễ hội đều thu hút lượng lớn du khách đến vào cùng thời gian, địa điểm trong khi cơ sở hạ tầng di tích, dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự chưa đáp ứng được nhu cầu đón hàng triệu lượt khách đổ về lễ hội trong một thời gian ngắn.
Thống kê cho thấy, năm 2014 có khoảng 15 triệu người dân tham dự các lễ hội lớn, nhỏ diễn ra trên toàn quốc.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị các địa phương, nhất là ở những nơi có lễ hội quy mô lớn, kéo dài nhiều ngày cần quan tâm thực hiện tốt an toàn trật tự, an toàn giao thông, đáp ứng tốt các nhu cầu của du khách thập phương, giữ gìn vệ sinh môi trường và đặc biệt trong năm 2015 phải thực hiện xong việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn.
Đối với các địa phương có lễ hội thu hút đông người, kéo dài nhiều ngày mà không gian tổ chức lễ hội nhỏ hẹp cần quy hoạch, sắp xếp lại cho phù hợp...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thành lập ba đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội năm 2015 tại chín tỉnh, thành phố, việc thanh tra, kiểm tra trước mùa lễ hội sẽ diễn ra đến ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ.
Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục thành lập bốn đoàn kiểm tra việc tổ chức, quản lý lễ hội ở nhiều địa phương trong cả nước./.
THANH GIANG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/to-chuc-le-hoi-2015-theo-huong-khoa-hoc-phat-huy-ban-sac-dan-toc/302360.vnp