Trong bối cảnh giá dầu giảm ảnh hưởng nặng nề tới ngân sách, cộng thêm những lệnh trừng phạt của phương Tây đang cô lập nền kinh tế, nước Nga đang trải qua thời khắc khó khăn nhất nếu xét riêng về phương diện kinh tế. Điều đó buộc Tổng thống Vladimir Putin phải có chiến lược phá vây kinh tế.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Trong bối cảnh đó, Nga đang tìm nhiều cách để khắc phục, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Điểm cốt lõi trong lộ trình khôi phục kinh tế của Moscow là nâng cao khả năng thích ứng với sự biến động của giá dầu thế giới, đồng nghĩa với việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn tài nguyên trên.
Tổng thống Putin từng tuyên bố việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu. "Cuộc sống sẽ thúc đẩy chúng ta, bởi giá năng lượng giảm sẽ kích thích đầu tư vào các ngành nghề khác vốn bị bỏ mặc".
Mới nhất, phát biểu tại Diễn đàn Gaidar hôm 14/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng nền kinh tế Nga phải chuyển sang một mô hình phát triển mới. Ông Medvedev nói: "Mô hình nhiên liệu năng lượng trước đây đã hết thời. Điều này ai cũng hiểu, mô hình đó không thể dẫn đến sự tăng trưởng bền vững và không khuyến khích đầu tư vào sản xuất thực tế".
Theo ông, "nền kinh tế Nga bắt đầu tăng trưởng chậm lại, kể cả khi giá dầu cao dù rằng việc giá dầu cao cũng cho phép chúng ta bằng cách nào đó tiến về phía trước". Ông cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay không phù hợp với tiềm năng của đất nước.
Thủ tướng Medvedev tin tưởng rằng nền kinh tế Nga sẽ không thể có được tính cạnh tranh lớn hơn nếu không tăng cường quan hệ với quốc tế. Ông chỉ rõ: "Toàn cầu hóa vẫn là xu hướng chính. Tuy vậy, 'lộ trình' này có 'những ngả rẽ' của nó. Toàn cầu hóa sẽ bước vào giai đoạn mới - khi đó vai trò của hội nhập khu vực sẽ đạt đến cao trào".
Mặt khác, ngày 14/1, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cam kết tiếp tục siết chặt chi tiêu do nước này đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong 15 năm qua. Bộ trưởng Siluanov cho rằng kế hoạch trước đó nhằm tăng chi tiêu chính phủ thêm gần 12% trong năm nay là không hiện thực và một số khoản chi tiêu dự kiến cần được cắt giảm. Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế, ông Siluanov nhận định nếu giá dầu trung bình ở mức 50USD/thùng trong năm nay thì ngân sách chính phủ sẽ giảm khoảng 45 tỷ USD so với kế hoạch trước đó.
Tìm kiếm cơ hội từ đối tác truyền thống
Giới phân tích cho rằng, Nga có thể phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt thông qua việc tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc và chấp nhận đề nghị hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh. Tờ Financial Times của Anh dẫn báo cáo của Công ty tư vấn Anbound cho biết: "Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, Nga sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài và Trung Quốc là đối tác lý tưởng nhất trong tình thế hiện nay".
Tình hình khó khăn buộc Nga "ngả" về phía Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế, cả thế giới đã chứng kiến sự nồng thắm trong hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc ở hội nghị APEC được tổ chức ở Bắc Kinh, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược phá vây kinh tế của Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, khi mà tất cả đều tưởng rằng, những hợp đồng khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc sẽ giúp Nga đủ khả năng xoa dịu những tổn thất kinh tế từ sự bao vây của phương Tây, thì Tổng thống Putin lại đang chỉ ra rằng, tăng cường hợp tác với Trung Quốc chỉ là bước khởi đầu và nước Nga sẽ không dại gì dính líu quá sâu với người láng giềng Trung Quốc.
Bằng chứng là, chỉ ít ngày sau những hợp đồng đình đám với Trung Quốc, Nga đã liên tiếp có những động thái đẩy mạnh quan hệ với những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và những đối tác tiềm năng truyền thống như Việt Nam hay Iran.
Thêm nữa, các lĩnh vực thế mạnh của Nga như năng lượng và nhất là khí tài quân sự vẫn rất được các đối tác truyền thống này quan tâm. Ưu tiên hàng đầu của Nga ở thời điểm hiện tại là việc ký kết các hợp đồng thương mại có thể đem lại cho Nga một nguồn thu không nhỏ từ các đối tác này. Nguồn thu quan trọng này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn mà kinh tế Nga đang gặp phải mà không phải dựa dẫm quá nhiều vào các quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Nga cũng đang dần tìm cách tháo gỡ tình trạng bao vây về kinh tế do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây tạo ra. Những khó khăn mà kinh tế Nga đang gặp phải nói lên rằng mối quan hệ kinh tế với phương Tây đang là trọng tâm của kinh tế Nga, và sớm muộn cũng phải khôi phục trở lại. Trong vấn đề này Nga cũng đang có lợi thế khi là người chủ động hàn gắn lại những rạn vỡ giữa các bên.
Những khó khăn của nền kinh tế đang buộc các nhà lãnh đạo Nga phải tìm ra hướng đi mới. Dù giải pháp mới có hiệu quả đến đâu thì có thể nói năm 2015 sẽ là một bước ngoạt của nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới này.
Nguyễn Chiến
Theo Chinhphu.vn