Cập nhật: 20/01/2015 09:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khoảng cách giữa những người giàu nhất và phần còn lại đang ngày càng nới rộng một cách nhanh chóng. Tình trạng này bị đánh giá là đã tăng tới mức nghiêm trọng nhất trong hơn 30 năm qua.

Trước thềm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên lần thứ 45, dự kiến sẽ diễn ra từ 21-24/1 tại Davos Thụy Sĩ, Tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực phát triển, chống đói nghèo và nhân đạo (Oxfam), ngày 19/1, đưa ra nhận định khối tài sản tích lũy của 1% những người giàu nhất thế giới sẽ vượt qua toàn bộ tài sản của 99% số dân còn lại vào năm 2016.

Giám đốc điều hành Oxfam Winnie Byanyima, người đồng chủ trì WEF năm nay, nhấn mạnh bất chấp vấn đề chênh lệch giàu nghèo đang là trọng tâm trong chương trình nghị sự toàn cầu, khoảng cách giữa những người giàu nhất và phần còn lại đang ngày càng nới rộng một cách nhanh chóng. Tình trạng này bị đánh giá là đã tăng tới mức nghiêm trọng nhất trong hơn 30 năm qua.

Theo báo cáo của Oxfam, khối tài sản của 1% những người giàu nhất thế giới trong tổng giá trị tài sản toàn cầu đã tăng từ 44% trong năm 2009 lên 48% trong năm qua và sẽ vượt mức 50% vào năm 2016. Mỗi người trưởng thành trong nhóm này sở hữu số tài sản trung bình trị giá 2,7 triệu USD. Trong 52% khối tài sản toàn cầu còn lại, có tới 46% thuộc sở hữu của nhóm người giàu chiếm 20% dân số thế giới và 5,5% số tài sản ít ỏi còn lại được chia đều cho khoảng 80% dân số thế giới. Như vậy, mức tài sản trung bình mỗi người trưởng thành trong 80% dân số còn lại sở hữu chỉ là 3.851 USD.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Oxfam cho rằng chỉ cần đánh thuế 1,5% số tài sản của các tỷ phú giàu nhất thế giới kể từ sau khủng hoảng tài chính đến nay, số tiền thu được đủ để cứu sống 23 triệu người tại 49 quốc gia nghèo nhất thế giới. Theo đó, nếu đánh thuế 1,5% đối với tài sản của các tỷ phú riêng trong năm 2014, có thể đủ tiền cho các trẻ em nghèo đi học và cung cấp dịch vụ y tế cho người dân ở những nước nghèo nhất thế giới.

Giám đốc Oxfam đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền lợi ổn định cho người dân, góp phần xây dựng một thế giới phát triển công bằng và thịnh vượng hơn. Oxfam nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới cần tăng cường một loạt các biện pháp cụ thể trong đó ngăn chặn nạn trốn thuế, cải thiện dịch vụ công, đưa ra mức lương sinh hoạt tối thiểu... trong nỗ lực đảm bảo nguồn thu nhập chung của quốc gia được "chia sẻ" đồng đều hơn.

Oxfam nêu rõ sự bất bình đẳng kinh tế bùng nổ khắp thế giới, cùng với các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị toàn cầu khác, đang là một trong những thách thức kinh tế, xã hội và chính trị lớn trong thời đại chúng ta, đòi hỏi chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cần có hành động mạnh mẽ hơn để đảo ngược tình thế này./.

Huyền Anh

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm