Cập nhật: 23/01/2015 09:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau “Chuyện tình Khâu Vai”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ sẽ tái ngộ khán giả với tư cách nhà biên kịch vở cải lương “Mai Hắc Đế”.

Tác giả kịch bản vở cải lương "Mai Hắc Đế" Nguyễn Thế Kỷ hi vọng các nghệ sĩ sẽ thổi hồn của mình vào tác phẩm để từ đó làm cho vở diễn thành công. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Lần đầu tiên một vở diễn về người Anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan được sân khấu cải lương dàn dựng. Với nhiều sự nỗ lực của toàn bộ ê kíp Nhà hát Cải lương Việt Nam, sau 1,5 tháng luyện tập, dàn dựng, vở diễn đã kịp hoàn thành trong tháng 1/2015 để kịp trình diễn tại Lễ hội kỷ niệm 1.302 năm khởi nghĩa Hoan Châu.

Đây là một trong những vở diễn có kinh phí lớn nhất của sân khấu cải lương phía Bắc với số tiền chi cho dàn dựng và thực hiện phần công diễn đầu tiên tại Hà Nội và Nghệ An khoảng 3 tỷ đồng. Nhưng điều đáng mừng là nguồn  kinh phí xã hội hóa góp tới 2,4 tỷ đồng.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho hay về thiết kế mỹ thuật, thay cho 4, 5 tấm phông hậu vẽ trên vải như thường lệ sẽ là một màn hình led lớn. Cùng với sự hỗ trợ của nhiều trang thiết bị hiện đại khác, vở diễn Mai Hắc Đế hứa hẹn là một không gian sân khấu linh hoạt hơn, hùng vĩ hơn, tráng lệ hơn và hấp dẫn hơn cách thức trình diễn của những vở cải lương thông thường.

Tư liệu về thời kỳ này tuy không nhiều, nhưng tác giả kịch bản đã tái hiện một không gian văn hóa, lịch sử xã hội Việt Nam đầu thế kỷ thứ VIII tương đối rõ nét.

Đây là một kịch bản đầy đặn, với tầng tầng lớp lớp sự kiện, vì tác giả ngoài việc là nhà quản lý, còn là một nhà thơ, một người am hiểu nghệ thuật, lịch sử.

Kịch bản được viết dưới dạng xen kẽ giữa văn xuôi và thơ. Lời thơ lại đẹp, chân thực mà không sáo rỗng; giàu ý nghĩa, hình ảnh mà không phô trương, nên đã góp phần làm cho lung linh thêm các ca từ của thể loại.

Đạo diễn Trung Kiên cũng chia sẻ: “Tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã đưa tôi đến gặp gỡ các nhà sử học, các nhà ngôn ngữ học… để đảm bảo các dữ kiện lịch sử, phong tục tập quán cũng như ngôn từ sinh hoạt trong vở diễn sẽ được sử dụng chuẩn xác nhất”.

Chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo ra mắt vở cải lương Mai Hắc Đế, tác giả Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ: "Tôi hy vọng các nghệ sĩ sẽ thổi hồn của mình vào tác phẩm để từ đó làm cho vở diễn thành công”.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Mai Thúc Loan-Mai Hắc Đế cách chúng ta quãng thời gian hơn 1.300 năm. Lịch sử viết về ông không nhiều và cũng không đầy đủ nhưng chúng ta đều rõ Mai Thúc Loan-Mai Hắc Đế đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, tự cường, tự tôn dân tộc.

Tham gia vở diễn có các nghệ sĩ: Quang Khải (vai Mai Thúc Loan), Dạ Hương (vai Mai Thị - mẹ Mai Thúc Loan), Minh Lý (vai Ngọc Tô - vợ Mai Thúc Loan), Hoàng Tùng (vai Đinh Thế - bố vợ Mai Thúc Loan), Ngân Quỳnh (vai Mai Thị Cầu - con gái đầu lòng của Mai Thúc Loan)....

Tác giả kịch bản: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt; đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên; âm nhạc: NSƯT Trọng Đài.

Vở cải lương “Mai Hắc Đế” dự kiến sẽ biểu diễn tại lễ hội Đền thờ Vua Mai tại Nam Đàn, Nghệ An vào giữa tháng Giêng Ất Mùi.

Nguyệt Hà

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm