Cập nhật: 04/02/2015 09:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cội rễ-cội nguồn chính là nền tảng quan trọng nhất để một con người phát triển lành mạnh, bền vững.

Ảnh minh họa

Giáo dục và xây dựng con người mới mà bỏ qua cội nguồn thì chẳng khác nào xây nhà cao tầng không có nền móng.

Cội nguồn số một của con người là lịch sử. Giản dị là từ lịch sử gia đình, lịch sử dòng họ, đến lịch sử địa phương và lịch sử của dân tộc mình. Thế nhưng sự nhạt nhòa từ các bài học lịch sử, nghệ thuật truyền bá lịch sử dẫn đến sự đánh giá thấp vai trò của lịch sử đã khiến không ít người Việt, nhất là lớp trẻ sự mù mờ về chính lịch sử của dân tộc mình.

Không phải là quá đáng khi nói chúng ta đang gặp  những nghịch lý văn hóa khi nhiều người còn rành sử Trung Quốc hơn sử ta. Họ rành vì cách người Trung Quốc truyền bá văn hóa là lịch sử của họ qua các kênh văn hóa, nghệ thuật, truyền thông mà điện ảnh và truyền hình là ví dụ nổi trội.

Một hiện tượng điện ảnh đang có tính thời sự hiện nay là nhiều người, nhất là những người trẻ Việt Nam đang mê mẩn với một bộ phim truyền hình dài tập về Võ Tắc Thiên.

Cái lạ là bộ phim này không được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia mà được phát trên mạng Internet, nhưng nhìn vào lượng truy cập của nó là một con số đáng mơ ước của nhà làm phim. Rồi đi đâu cũng thấy luận bàn về Võ Tắc Thiên, từ quán cà phê đến mạng xã hội để mổ xẻ nhân vật này. Rồi lịch sử triều đại nhà Đường ở Trung Hoa được tìm hiểu, xới xáo để dân tình “chém gió”. Thậm chí người xem còn biết đâu là những chi tiết hư cấu, biết đâu là “dã sử” đâu là “chính sử” được ghi chép về Hoàng đế Võ Tắc Thiên. Và hẳn nhiên các bài học lịch sử, văn hóa Tàu được người Việt ghi nhận một cách tự nguyện và lưu trữ dai dẳng trong bộ nhớ của mình.

Ở Việt Nam liệu có những nữ anh hùng kiệt xuất ở các thời đại lịch sử khác nhau không? Chắc chắn là có: Câu chuyện Hai Bà Trưng lãnh đạo nhân dân đánh đổ ách đô hộ của nhà Đông Hán, giành độc lập cho đất nước; thế kỷ thứ III, Triệu Thị Trinh, 23 tuổi, ở Triệu Sơn, Thanh Hoá, cùng anh trai khởi nghĩa chống giặc Ngô; nữ đô đốc Bùi Thị Xuân, một tướng tài của vua Quang Trung, chỉ huy đội tượng binh góp phần đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược vào năm 1789; Thái hậu Dương Vân Nga đặt lợi ích quốc gia trên lợi ích dòng họ, trao vương quyền cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, mở ra triều đại Tiền Lê, để dân tộc có đủ thế và lực đánh thắng quân Tống năm 981; Nguyên Phi Ỷ Lan trong 2 lần thay vua Lý Thánh Tông trị nước có nhiều chính sách an dân mở mang nghề trồng dâu nuôi tằm, giải phóng cung nữ... và còn rất nhiều nữ anh hùng khác... Chẳng lẽ họ không đáng được nhớ, được luận bàn, được khắc ghi sao?

Hay các nhà khoa học cứ thử làm một điều tra xã hội học xem cái tên Võ Tắc Thiên và những cái tên nữ anh hùng kiệt xuất của Việt Nam vừa được nhắc trên, cái tên nào được những người trẻ biết đến nhiều nhất? Hẳn đây là điều tất cả chúng ta cảm thấy nhức nhối, thấy có lỗi với dân tộc khi xây dựng con người mới Việt Nam mà lơ là đến cội nguồn.

Xa xôi hơn, chúng ta thử để ý đến cách mà người Mỹ dạy và học lịch sử. Lịch sử trở thành một môn học bắt buộc cho mọi công dân Mỹ. Mọi công dân Mỹ hẳn phải am tường lịch sử của đất nước họ. Nước Mỹ cũng có một quy định bất di bất dịch từ xưa đến nay, ai muốn trở thành công dân Mỹ, muốn nhập quốc tịch Mỹ thì phải thi lịch sử Mỹ.

Bác Hồ cũng đã căn dặn điều này từ năm 1942. Trong bài viết “Nên học sử ta” của Người đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 17, ngày 1/2/1942. Mở đầu bài viết này Người viết giản dị : “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Chỉ cần vậy thôi, xây dựng một con người Việt Nam mới, trước hết là một con người hiểu biết về gốc tích cội nguồn. Đánh mất lịch sử nghĩa là đánh mất gốc tích của mình. Một con người không nhớ đến lịch sử như một mạch nguồn tự chảy trong máu mình thì Tổ quốc, dân tộc, đồng bào… chẳng có nghĩa gì với họ.

Trần Ngọc Hà

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm