Xóa đói giảm nghèo không còn đơn thuần là có đủ cơm ăn áo mặc mà cần tiến đến đầy đủ dinh dưỡng và thoát nghèo bền vững bằng sinh kế.
Việt Nam được đánh giá là một trong những điển hình, hình mẫu xuất sắc về giảm nghèo. Ảnh minh họa
Vào những ngày đầu tiên của năm 2015, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) phát động Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam.
Chủ động xóa đói nghèo
Ông Hiroyuki Konuma, Trưởng đại diện FAO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã nhận định trên thực tế, Việt Nam đã giảm được hơn 70% số người suy dinh dưỡng từ những năm 1990-1992 và đạt được Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ thứ nhất này, nên xóa sạch nạn đói không phải là mục tiêu bất khả thi.Tuy nhiên, việc xóa đói giảm nghèo trong điều kiện hiện nay đòi hỏi Chính phủ và người dân cần có cách nhìn nhận mới để chuyển từ xóa đói nghèo do hậu quả của chiến tranh sang chủ động xóa đói giảm nghèo trong điều kiện kinh tế mới.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn-Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, khái niệm "đói nghèo" hiện nay cần được tiếp cận ở góc độ đầy đủ hơn, bao hàm cả mặt dinh dưỡng.
Tuy chúng ta đã được quốc tế đánh giá cao về công tác giảm nghèo, song xóa đói, giảm nghèo cần thực chất.Sự cần thiết của việc “thực chất hóa” xóa đói giảm nghèo được ông Tuấn nêu trong ví dụ điển hình là ngay tại ĐBSCL, dù là nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất nước, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Lý do là người dân nông thôn hiện nay chưa có nhiều chương trình hướng dẫn về dinh dưỡng, nên ngoài nguồn lúa gạo tự có, rau củ quả trồng trong nhà hoặc đi mua ở chợ xung quanh, họ không biết tìm nguồn dinh dưỡng mới ở đâu. Đây cũng là một thực tế của công tác xóa đói giảm nghèo mà các nhà làm chính sách và quản lý cần lưu tâm.
Để đảm bảo an ninh lương thực cho mỗi quốc gia, cần tính đến 2 vấn đề. Trước hết, liên quan đến câu chuyện đói ăn, giải pháp chính là người nông dân phải có cơ hội việc làm với thu nhập đảm bảo. Thứ hai là cơ hội tiếp cận đủ dinh dưỡng với nguồn thực phẩm đảm bảo khẩu phần, khẩu vị, an toàn thực phẩm. Cái đó tùy thuộc vào thu nhập và việc người dân phải được hướng dẫn đầy đủ về dinh dưỡng.
Cần tạo sinh kế
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, so với thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những hình mẫu xuất sắc về giảm nghèo. Với định hướng đúng và nhiều chương trình mục tiêu, nhiều chính sách hỗ trợ,… nên tốc độ giảm nghèo của nước ta đạt khá nhanh, giảm từ mức 50% năm 1992 đến nay còn hơn 10%.
Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững, chúng ta cần đem lại những sinh kế vững chắc hơn cho người dân.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần hướng đến việc tạo sinh kế ngay tại địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo. Theo ông, việc giảm nghèo còn thiếu bền vững, lao động nông thôn dôi dư nhưng thiếu việc làm ổn định, thu nhập và sinh kế cho người dân chưa đảm bảo...Hiện nay, nhiều người dân nông thôn đổ xô ra thành phố kiếm sống gây nên nhiều sức ép về mặt xã hội, trong khi đó, nhiều ngôi làng chỉ còn người già và trẻ em. Bởi vậy, để giải quyết được vấn đề đói nghèo ở nông thôn, cần phải có biện pháp ổn định ngành nghề, tạo sinh kế ngay tại địa phương để người dân vươn lên sản xuất, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phân tích thêm, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của chúng ta tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, gây ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Bởi có những nhóm hộ nghèo đang bị "tắc lại", không theo kịp cùng sự phát triển của nền kinh tế.
Đây là nhóm hộ mang tính cấu trúc, chưa có cơ sở khả quan để thoát nghèo và thường là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Với những nhóm đặc biệt khó khăn này, nếu chỉ cho "con cá" mà không cho "cần câu" thì chúng ta khó lòng giảm nghèo bền vững được.Lý giải rõ hơn về cách xử lý “cấu trúc”, ông Tuấn nêu cần phải phân chia các hộ nghèo thành từng nhóm và có biện pháp phù hợp, chứ không thể "cào bằng", dàn trải. Đối với các hộ thoát nghèo và có khả năng thoát nghèo, cần giúp cho họ đẩy mạnh sinh kế, không chỉ là điện, đường, trường, trạm, mà còn phải tạo ra cả cơ hội việc làm, vì ở nông thôn thu nhập không cao, nếu để một mình họ khó có thể giải quyết được.
Trong nhóm này, cần phải tách ra những người làm nông nghiệp thì tạo điều kiện cho họ làm nghề nông chuyên nghiệp, hỗ trợ máy móc, thiết bị công nghệ mới để họ có sinh kế chính từ nông nghiệp đàng hoàng. Còn đối với người không có ý định làm nông nghiệp thì phát triển sản xuất đa ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ, đưa doanh nghiệp vào giúp họ thoát khỏi nghèo đói.Với nhóm hộ đặc biệt khó khăn, ngoài hỗ trợ đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm chung cho cả xã, phải tính đến 2 phương án.
Thứ nhất, những người còn có khả năng lao động thì phải có riêng một chương trình mục tiêu về đào tạo kỹ năng, tổ chức cộng đồng hay phát triển sản phẩm mà họ có lợi thế như nông sản sạch, du lịch sinh thái... Thứ hai, với người đặc biệt khó khăn mà không còn khả năng lao động thì phải có hệ thống bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đảm bảo cho cuộc sống của họ.
* Ngày 14/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động xây dựng Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam. Việc tham gia Chương trình "Không còn nạn đói" thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hợp quốc phát động.
Sự chung tay của Việt Nam cũng cho thấy một sự đảm bảo rằng đời sống của mỗi người dân trong một xã hội văn minh sẽ dần được nâng cao. Từng người dân sẽ có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ nhiều hơn từ chính sách xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới.
Theo Đỗ Hương/Chinhphu.vn