Ngày Thơ Việt Nam 2015 sẽ tiếp tục chủ đề hướng về biển đảo với sự góp mặt của các chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng.
Sáng nay 5/3, lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam sẽ tiếp tục chủ đề hướng về biển đảo, với sự góp mặt của các chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng và các nhà thơ quốc tế.
Kết hợp với sự kiện Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương và hội nghị quảng bá văn học, năm nay, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 có sự tham gia của 150 nhà thơ, nhà văn và dịch giả đến từ 41 quốc gia trên thế giới. Khác với những năm trước, năm nay Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức với hai sân thơ chính là sân thơ truyền thống và sân thơ vòng tay bạn bè.
Tiếp nối Ngày thơ Việt Nam 2014, năm nay chủ đề vẫn hướng về biển đảo (Ảnh: Hà Phương)
Tại sân thơ truyền thống sẽ diễn ra lễ khai mạc trọng thể, các hoạt động đọc thơ, trình diễn nghệ thuật và thả thơ truyền thống. Mặc dù không có sân thơ trẻ như mọi năm nhưng theo Ban tổ chức, tại sân thơ trong vòng tay bạn bè sẽ có sự hiện diện của những cây bút trẻ. Thêm vào đó là những chương trình giao lưu, gặp gỡ với các nhà thơ quốc tế tiêu biểu cùng 10 nhà xuất bản được mời tham dự giới thiệu các tác phẩm viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ngày Thơ Việt Nam 2015 nhằm giới thiệu một cách tổng thể về thành tựu, bản sắc của văn học Việt Nam đến bạn bè thế giới: “Năm nay chỉ là một dấu mốc để chúng ta hiện thực hóa ý tưởng và có thể nói cao hơn là chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam, của Nhà nước trong việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới. Càng ngày thi ca của Việt Nam đến với thế giới ngày càng nhiều hơn. Những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật nhận thấy rằng, văn học nghệ thuật đặc biệt là thi ca có thể mang lại một sức mạnh trong việc kết nối, lý giải, minh chứng tất cả những gì dân tộc ta đã làm được trong lịch sử”.
Các hoạt động bên lề tại Ngày Thơ Việt Nam sẽ bao gồm: Triển lãm giao lưu văn học quốc tế, các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, xuất bản ở nước ngoài; Trưng bày và giới thiệu sách của các nhà xuất bản trong nước; Khu phố nghệ thuật với sự tham gia của 30 câu lạc bộ thơ, 8 địa phương trong cả nước, 6 trường đại học với các hoạt động xuất bản phẩm, thư pháp, trình diễn nghệ thuật dân gian diễn ra trong hai ngày 4-5/3 (tức 14 và 15 Tháng Giêng)./.
Theo Phương Thúy/VOV.VN