Mới đây, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo.
Xây dựng đường bêtông nông thôn cho nhân dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có tác động tích cực trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.”
Hiện nay, cả nước có trên 90% các xã xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới, 945/3.028 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 31,21%).
Phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển sâu rộng và đạt được những kết quả đáng khích lệ như việc hiến đất mở đường, làm nhà văn hóa-khu thể thao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được quan tâm, thực hiện. Nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động như vận động ủng hộ "Quỹ đền ơn ấp nghĩa," xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn một số hạn chế như Ban Chỉ đạo một số địa phương chưa đổi mới phương pháp, cách thức thực hiện để phù hợp với tình hình phát triển của phong trào; chưa phát huy tính tự nguyện tự giác của các tầng lớp nhân dân. Một số nội dung, tiêu chí, danh hiệu thi đua của một số cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương chưa thống nhất. Việc đổi mới cách làm, đa dạng hóa nội dung, phương thức chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện phong trào còn chậm.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn kiểm tra thực hiện phong trào tại các cơ quan thành viên; xây dựng kế hoạch, chương trình nội dung chỉ đạo địa phương tổng kết 15 năm phong trào; kiểm tra, chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức sơ kết việc thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phong trào.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục có bước phát triển mới đi vào các nội dung cụ thể hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Báo cáo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều đánh giá mặc dù năm 2014 có nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng tiếp tục phát triển; trong đó bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ còn có sự vào cuộc, hưởng ứng tham gia của người dân; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị-xã hội với các cơ quan chính quyền. Đạt được những kết quả như vậy có sự đóng góp, nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành, địa phương...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 2015 là năm quan trọng, có nhiều ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, đặc biệt là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong giai đoạn tiếp theo tốt hơn. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần lồng ghép các hoạt động cụ thể để triển khai công tác.
Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch tổng kết 15 năm phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (2000-2015) và tổng kết 20 năm thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" (1995-2015). Các khu vực cần có hội nghị, giao ban nhằm trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện phong trào của các địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cho rằng Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu thận trọng việc thành lập bộ tiêu chí quốc gia đánh giá phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phù hợp với từng năm, từng thời kỳ.
Các địa phương cần nghiên cứu, lồng ghép phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với các phong trào nông thôn mới, thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc để có sự phối hợp đồng bộ.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục công tác tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị xã hội để người dân biết, đoàn kết, tích cực tham gia phong trào./.
PHÚC HẰNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/phong-trao-xay-dung-doi-song-van-hoa-co-buoc-phat-trien-moi/311502.vnp