Các quốc gia thành viên EU chưa cho thấy sự đoàn kết mạnh mẽ, chặt chẽ hơn trong cách ứng phó với Nga và giải quyết vấn đề Hy Lạp.
Lãnh đạo EU chụp ảnh trước thềm Hội nghị thượng đỉnh (Ảnh AP)
Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu ÂU (EU) đang diễn tại thủ đô Brussels, Bỉ là một trong những sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất trong bối cảnh căng thẳng giữa EU và Nga chưa hạ nhiệt và khối này cũng đang gặp nhiều thách thức.
Có nên gia hạn lệnh trừng phạt chống Nga thêm 6 tháng nữa hay không? Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối phó với Nga như thế nào trong thời gian tới cũng như trong dài hạn? Những câu hỏi lớn còn để ngỏ đang gây "sóng ngầm" ngay trong lòng châu Âu.
Vì vậy, hội nghị thượng định diễn ra trong hai ngày 19-20/3 sẽ là phép thử quan trọng đánh giá khả năng duy trì sự đoàn kết và thống nhất của liên minh trong xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngoài ra, các vấn đề vốn đang là thách thức của EU như chính sách năng lượng, kinh tế cũng được bàn tại Hội nghị lần này.
Một trong những chủ đề trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này là là việc EU bàn tới chuyện phải thành lập Liên minh năng lượng châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Ý tưởng thành lập Liên minh năng lượng châu Âu mới ra đời từ tháng 2 vừa rồi, xuất phát từ nhu cầu của châu Âu cần có một sự độc lập về năng lượng với Nga, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy quan hệ hợp tác giữa EU với Nga, đối tác năng lượng lớn và quan trọng nhất của khối, đến bờ vực căng thẳng.
Tuy nhiên, kế hoạch nhiều tham vọng này còn cần phải rất nhiều thời gian mới có thể biến thành hiện thực bởi lẽ ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU lần này, hàng loạt chính phủ các nước thành viên đã lên tiếng khẳng định rằng các nước này vẫn muốn giữ quyền quyết định đối với các chính sách năng lượng quốc gia.
Các nước này, chẳng hạn như Pháp hay Ba Lan… đều coi chính sách năng lượng là một vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia và an ninh năng lượng rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, nên họ không để buông quyền quyết định vào tay một tổ chức khác.
Ngoài ra, các vấn đề khác như vấn đề trợ cấp giá năng lượng trong từng quốc gia cũng rất khác biệt, nên cần phải có thời gian để các bên tìm được tiếng nói chung. Bản thân EU cũng đề ra lộ trình là từ nay cho đến hết năm 2016 mới thiết lập được một cơ chế đối thoại chung để từ đó thành lập liên minh năng lượng.
Quan hệ Nga- EU vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng nhưng có nhiều dấu hiệu trì hoãn, đình trệ trong thời gian gần đây sau khi Thỏa thuận Minsk lần thứ 2 được ký kết. Tuy nhiên, về trung hạn, các bên vẫn sẽ có xu hướng đối đầu với nhau.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần này, một trong những kế hoạch được các nước EU bàn thảo nhiều nhất đó là việc lên một kế hoạch truyền thông, thông tin nhằm chiến đấu với Nga trên mặt trận thông tin.
Cụ thể, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU là bà Morgherini đã được yêu cầu từ giờ cho đến tháng 6/2015 phải cho ra đời được một kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai cuộc chiến truyền thông với Nga.
Việc này xuất phát từ việc từ vài tháng qua, phía Nga đã đẩy rất mạnh việc truyền thông ra nước ngoài về cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga đã cho ra đời các kênh phát thanh, báo điện tử bằng tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp… nhằm thông tin về vấn đề Ukraine theo cách của Nga.
Theo lý giải của các nước EU thì đây là cuộc chiến thông tin mà EU phải lập tức hành động bởi nếu không sẽ bị mất ưu thế với Nga về mặt truyền thông, đặc biệt tại các nước thành viên EU có cộng đồng nói tiếng Nga đông đảo như các quốc gia Baltic.
Về quan điểm nội bộ thì đến thời điểm này, EU cũng chưa cho thấy họ có sự đoàn kết mạnh mẽ, chặt chẽ hơn trong cách ứng phó với Nga. Một vài nước vẫn giữ quan điểm cứng rắn như Ba Lan, Anh hay phần nào là Đức trong khi vài nước khác như Pháp, Italy… lại muốn có cách tiếp cận mềm dẻo hơn. Sự khác biệt này sẽ khó có thể được khỏa lấp trong thời gian ngắn.
Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều chuyến thăm Nga của lãnh đạo các nước EU, cho thấy nhiều nước muốn giảm bớt căng thẳng với Nga.
Ngày 11/3, trong chuyến công du Ba Lan – một trong những nước có quan điểm cứng rắn với Nga, Thủ tướng Pháp Manuel Valls dù tuyên bố châu Âu và Pháp hoàn toàn ý thức được những nỗi lo lắng của Ba Lan và các quốc gia láng giềng của Nga; nhưng nhấn mạnh rằng “không ai có lợi” trong việc cô lập hóa Nga.
Cùng với Pháp, Đức, Tây Ban Nha và một số nước khác cũng cố gắng duy trì cân bằng quan hệ với Nga và không ủng hộ việc gia hạn các lệnh trừng phạt vốn gây hại không nhỏ đến lợi ích của EU.
Cho đến sát thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh thì chủ đề về Hy Lạp đã trở thành vấn đề nóng nhất được bàn thảo và sẽ là trung tâm thảo luận trong các cuộc họp của các nguyên thủ châu Âu.
Ngay trước khi đến Brussels thì Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã lên tiếng yêu cầu có một cuộc “thượng đỉnh mini” để bàn riêng về vấn đề Hy Lạp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker.
Tình hình hiện nay tại Hy Lạp đang nóng lên từng giờ. Ngày 19/3 Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schauble đã tuyên bố là “thời gian đang đếm ngược với Hy Lạp” và lại nhắc đến khả năng sẽ buộc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro.
Ông Juncker cùng ngày cũng bày tỏ “lo ngại về tiến triển trong các đàm phán giữa Hy Lạp với nhóm chủ nợ và các bên cần nhanh chóng nắm bắt lại cơ hội đàm phán”.
Hiện tại, Brussels đang duy trì sức ép rất lớn lên chính phủ Hy Lạp, đặc biệt là Đức, đầu tàu kinh tế của khu vực. Nhóm các chủ nợ của Hy Lạp cho rằng chính phủ hiện nay của Hy Lạp không có chính sách rõ ràng và thiếu thái độ xây dựng trong các cuộc đàm phán.
Vì thế họ kiên quyết không nhượng bộ và cho biết “muốn giữ Hy Lạp ở lại eurozone, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào”, tức là khả năng loại Hy Lạp khỏi eurozone là tương đối cao nếu như Chính phủ Hy Lạp không chịu tiến hành những cải cách quyết liệt theo yêu cầu của Brussels và nhóm chủ nợ như ECB hay IMF.
Phía Hy Lạp đã nhận thức rất rõ sự nguy hiểm hiện nay đối với mình nên ông Alexis Tsipras đã có những nhượng bộ rất rõ và nêu yêu cầu có “thượng đỉnh mini. Tuy nhiên, diễn biến ra sao vẫn là điều khó dự đoán./.
Theo Thùy Vân/VOV.VN