Nhiều dự án phát triển thủy sản được ngân hàng khẳng định không có hiệu quả về kinh tế và không đảm bảo khả năng trả nợ.
Không có nhiều ngư dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ Nghị định 67. (Ảnh: KT)
Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ là một chính sách lớn, không chỉ từng bước hiện đại hóa đội tàu đánh cá, giúp ngư dân tăng hiệu quả đánh bắt mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi có ngư dân hội đủ mọi điều kiện vay vốn đóng tàu vỏ thép nhưng Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Ngãi vẫn từ chối cho vay.
Gần 7 tháng qua, ông Võ Văn Hân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bỏ công việc đi biển để ở nhà làm thủ tục, hồ sơ đăng ký vay vốn đóng tàu đánh cá bằng vỏ thép công suất 829 mã lực, kinh phí gần 17 tỷ đồng theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Ông Hân đã lặn lội ra Bắc vào Nam tham quan các xưởng đóng tàu, tìm hiểu mẫu tàu phù hợp. Hồ sơ của ông Võ Văn Hân đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xét chọn đủ điều kiện vay vốn đợt 1 theo đúng tinh thần Nghị định 67. Tuy nhiên, dù đã đáp ứng mọi yêu cầu của đơn vị cho vay là Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Ngãi nhưng ông Hân vẫn bị từ chối cho vay.
“Bên ngân hàng đỏi hỏi thủ tục giấy tờ, người vay vốn đã cung cấp đầy đủ. Nhưng hiện tại bên ngân hàng vẫn nói không thể cho vay khiến ngư dân khó hiểu. Ngư dân đã bỏ quá nhiều thời gian và công sức trong 6 - 7 tháng nhưng kết cục không được vay vốn”, ông Hân bộc bạch.
Ông Tôn Long Thắng, Trưởng Phòng khách hàng thể nhân của Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Ngãi cũng khẳng định: Hồ sơ của ông Võ Văn Hân đã đầy đủ mọi yêu cầu, điều kiện vay vốn theo đúng Nghị định 67.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng không cho vay bởi khách hàng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn theo quy định tại Quyết định số 1627 ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước nhưng dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cụ thể, dự án không có hiệu quả về kinh tế và không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng. Tổng mức vốn đầu tư tàu vỏ thép của ông Hân là cao hơn so với mặt bằng giá đóng tàu thép có công suất tương đương của một số ngư dân khác.
Các nội dung và điều khoản trong Hợp đồng thi công đóng tàu giữa chủ tàu và Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Bạch Đằng còn sơ sài, không xác định rõ ràng tiêu chuẩn kỹ thuật của danh mục máy móc, thiết bị, không nêu rõ chủng loại máy, điều khoản và phương thức thanh toán mang nhiều rủi ro cho cả chủ tàu và Ngân hàng.
Ông Tôn Long Thắng, Trưởng Phòng khách hàng thế nhân của ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Ngãi giải thích, có nhiều lí do để Ngân hàng không cho ông Võ Văn Hân vay vốn, nhưng lí do quan trọng nhất là không hiệu quả về kinh tế và không đảm bảo khả năng trả nợ Ngân hàng.
“Ngân hàng khẳng định dự án có khả thi, nhưng hiệu quả hay không thì phải theo thẩm định của Ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng thẩm định dự án có doanh thu đều trên 10 tỷ đồng và ở năm thứ 10 là 15 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí khấu hao nếu đóng tàu 17 tỷ đồng khiến chi phí khấu hao 1 năm đã là 1,7 tỷ đồng khiến ngân hàng phải cân nhắc”, ông Thắng nói.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Ngãi lấy lý do dự án không có tính hiệu quả, vay vốn cao để từ chối không cho ông Võ Văn Hân vay đóng tàu đánh cá vỏ thép là không xác đáng. Hồ sơ của ông Hân có thiếu sót thì Ngân hàng phải hướng dẫn bổ sung và thực hiện đúng tinh thần của Nghị định 67.
“Tôi đề nghị Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Quảng Ngãi tiếp tục xem xét lại các thủ tục, hồ sơ và mời ông Hân đến để mà làm việc yêu cầu những chỉnh sửa. Người ta đã đáp ứng đủ hết các điều kiện nhưng có gì sai sót trong hồ sơ ngân hàng phải hướng dẫn cho ngư dân làm. Nếu đã đáp ứng đủ các điều kiện nhưng ngân hàng không cho vay thì Ngân hàng Ngoại thương đã không thực hiện đúng Nghị định 67”, ông Thọ nói .
Nghị định 67 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không đơn thuần chỉ là để phát triển kinh tế biển một cách bền vững mà còn liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bởi vậy, để chính sách này nhanh chóng phát huy hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thì đòi hỏi các cơ quan liên quan phải cùng nhau hỗ trợ bà con ngư dân./.
Theo CTV Quang Nghĩa/VOV.VN