Mảnh đất thép Xuân Lộc đang ngày càng thay da đổi thịt nhờ vào ý chí kiên cường, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh.
Tiếp quản Tiểu khu Long Khánh (nguồn: Báo Tin tức)
Trước năm 1975, Xuân Lộc, nay là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, được xem là “cánh cửa thép”, tuyến phòng thủ vững chắc từ xa của chính quyền Sài Gòn.
Để phá tuyến phòng thủ này, lực lượng ta vừa nổi dậy, vừa tiến công, kết hợp các binh đoàn chủ lực với bộ đội địa phương và quân dân du kích, tạo quả đấm mạnh mẽ mở toang thép “cánh cửa thép” vào ngày 21/4/1975, mở đường cho quân ta tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuân Lộc là nơi “tử thủ” của chính quyền Sài Gòn, vì mất Xuân Lộc thì sẽ mất Sài Gòn. Cho nên, địch phòng thủ, chốt chặn với những phương tiện kỹ thuật , vũ khí hiện đại và lực lượng hùng mạnh nhất, trong đó có Chiến đoàn 52, lực lượng có nhiều kinh nghiệm của ngụy quân Sài Gòn trấn giữ.
Trước thế trận này, Bộ tư lệnh Miền phải đưa Sư đoàn 6, gồm Trung đoàn 33 và Trung đoàn 4 ra Tánh Linh đánh Chi khu Hoài Đức và lực lượng bảo an ngoài đó, để thu hút lực lượng chủ lực của địch ra, làm địch mất tập trung, giãn ra và không cảnh giác phòng thủ. Ngay sau đó, Bộ tư lệnh Miền bất ngờ điều Sư đoàn 6 quay về cùng Quân đoàn 4 đánh Xuân Lộc.
5 giờ 40 phút ngày 9/4, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Lực lượng ta đánh Ngã Ba ông Đồn, diệt một số đồn bót và 1 tiểu đoàn bảo an của địch. Quân ta vừa đánh vòng ngoài vừa đánh vòng trong kết hợp với quân biệt động, bộ đội địa phương tạo hỏa lực mạnh tấn công địch. Đồng thời, quân ta chặn các tuyến đường chi viện của địch từ ngã Ba Dầu Giây và quốc lộ 1 từ Biên Hòa xuống.
Tại đây, Trung đoàn 33 chặn đánh quyết liệt không cho địch đưa lực lượng xuống ứng cứu. Cùng lúc đó, Trung đoàn 4 tập trung lực lượng đánh vào Sở chỉ huy Chiến đoàn 52 để giải phóng Xuân Lộc. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 6 nhớ lại: “Toàn bộ lực lượng Trung đoàn 4, trinh sát bộ binh, trinh sát đặc công, đánh từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối chúng ta diệt toàn bộ sở chỉ huy Chiến đoàn 52. Sau khi, diệt được Chiến đoàn 52, chúng ta kết hợp với Quân đoàn 4, quân dân Long Khánh bao vây, tấn công Xuân Lộc, quân Xuân Lộc bỏ chạy. Sư đoàn 6, Quân đoàn 4 cùng quân dân Long Khánh, diệt Chiến đoàn 52 đã giải phóng Long Khánh”.
Quân địch dù cố thủ, quyết tử nơi đây, nhưng trước sức tấn công mạnh mẽ của ta chúng hoảng sợ bỏ chạy. Ông Nguyễn Huy Thảng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 33 kể lại: “Khi đánh trên Long Khánh mạnh quá thì nó bỏ chạy về ngả Ba Dầu Giây, chạy cả xe tăng, pháo, khi đó địch cởi bỏ áo, quần bỏ chạy, bỏ cả xe tăng, rồi sau đó mình thu”.
Sau 12 ngày, đêm chiến đấu ác liệt, đến ngày 21 tháng 4, quân và dân ta đã mở được “cánh cửa thép” Xuân Lộc, giải phóng Xuân Lộc và Long Khánh, mở đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trung Tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 nói: “Trận đánh gay go, ác liệt nhưng chúng ta đã sử dụng lực lượng phù hợp có kinh nghiệm để đánh trận này, như: Trung đoàn 5, Trung đoàn 33, Sư đoàn 6 giải phóng Long Khánh. Đây là chiến công to lớn vì mở được “cánh cửa thép” đưa quân chủ lực vào mở chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Sau khi giải phóng Xuân Lộc và Long Khánh, lực lượng của ta tiến công về giải phóng Biên Hòa. Trong đó, 3 mục tiêu quan trọng là giải phóng thị xã Biên Hòa, Sân bay Biên Hòa và tiêu diệt Sư đoàn 3 của địch. Nhiệm vụ này được giao cho lực lượng chủ lực là Trung đoàn 4 và Trung đoàn 33. Vì Biên Hòa là Quân khu 3, vùng 3 chiến thuật của địch nên lực lượng ở đây rất mạnh.
Trên đường ta tiến quân về Biên Hòa, lực lượng của địch chống trả rất quyết liệt. Nhưng nhờ ta làm tốt công tác binh vận, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân chủ lực với quân dân địa phương, quân dân du kích và có lực lượng nội ứng bên trong nên đã nhanh chóng giành chiến thắng mà giảm được thương vong.
Đến 6 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ chiến thắng của ta tung bay trên Tòa Tỉnh trưởng tỉnh Biên Hòa. Ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Khu căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 nói: “Chúng ta kết hợp võ trang, chính trị, binh vận trong trận giải phóng miền Nam. Trận đánh Long Khánh cũng kết hợp giữa trong và ngoài, nếu không có dân, không có biệt động thì làm sao dẫn đường cho quân ta. Ở ngoài quân chủ lực của chúng ta tiêu diệt các đội quân của địch bên trong kết hợp quân, dân ta nổi dậy chiếm đóng”.
Phát huy truyền thống cách mạnh đó, ngày nay lực lượng vũ trang của tỉnh Đồng Nai đang ra sức học tập, rèn luyện để trở thành lực lượng quân đội tinh nhuệ, vững mạnh. Ông Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Chúng tôi phát huy truyền thống của quân đội và nhân dân tỉnh Long Khánh - Bà Rịa, tỉnh Biên Hòa, Đồng Nai, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự trên địa bàn, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang Đồng Nai trong thời bình huấn luyện tốt, sẵn sàng chiến đấu.
40 năm trôi qua, “Cánh cửa thép” của Đồng Nai giờ đã trở thành 2 huyện, thị đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Mảnh đất thép đang ngày càng thay da đổi thịt nhờ vào ý chí kiên cường, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, không khuất phục trước gian khó của các thế hệ hôm nay./.
Theo Lệ Hằng/VOV.VN