Cập nhật: 07/04/2015 09:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vừa qua, Hội nghị quan chức cấp cao đối thoại và hợp tác sông Mekong-sông Lan Thương (Lancang) lần thứ nhất đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, với sự tham gia của các quan chức ngoại giao cấp cao đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Quang cảnh một hội nghị các nước tiểu vùng sông Mekong. (Nguồn: AFP)

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Noppadon Theppitak đồng chủ trì hội nghị.

Với chủ đề “Sáu quốc gia-Một cộng đồng chung vận mệnh: Xây dựng cơ chế đối thoại hợp tác sông Mekong-sông Lan Thương, thúc đẩy phát triển bền vững tiểu vùng,” hội nghị lần thứ nhất đã tập trung thảo luận việc thiết lập cơ chế đối thoại và hợp tác sông Mekong-sông Lan Thương, trong đó có mục tiêu, đường hướng và các lĩnh vực ưu tiên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân khẳng định việc xây dựng cơ chế đối thoại hợp tác sông Mekong-sông Lan Thương nhằm duy trì hòa bình, ổn định tiểu vùng và thúc đẩy phát triển, thịnh vượng tiểu vùng, phù hợp với lợi ích chung của 6 nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân 6 nước.

Theo ông, hội nghị quan chức cấp cao này sẽ mở ra tiến trình đối thoại hợp tác sông Mekong-sông Lan Thương, do đó, 6 nước cần phát huy lợi thế địa lý, tăng cường hợp tác an ninh chính trị, bảo vệ ổn định tiểu vùng, làm nổi bật chủ đề phát triển, đi sâu vào hợp tác thực chất; tăng cường giao lưu kết nối, xây dựng cộng đồng chung tại khu vực.

Trung Quốc đã đề xuất tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao và hội nghị các quan chức ngoại giao cấp cao đối thoại và hợp tác sông Mekong-sông Lan Thương tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, diễn ra tại Myanmar năm ngoái.

Sông Mekong-sông Lan Thương chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam./.

 

(TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/xay-dung-co-che-doi-thoai-hop-tac-song-mekongsong-lan-thuong/316221.vnp

Tệp đính kèm