Cập nhật: 08/04/2015 09:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay giá dịch vụ khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện vẫn đang tồn tại hai loại mức giá khác nhau. Đó là một loại giá dịch vụ công và một loại giá dịch vụ y tế được quy định từ các hoạt động xã hội hóa. Trong đó, giá dịch vụ từ các hoạt động xã hội hóa tính giá cao hơn do tính thêm các phần tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế, tiền khấu hao trang thiết bị y tế… vào phần giá.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được tiến hành theo 3 giai đoạn. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức sáng 7/4 tại Ninh Bình, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết Bộ đang tiến hành công tác điều chỉnh giá dịch vụ y tế để tiến tới không tạo ra mặt bằng hai loại giá như hiện nay.

Ba giai đoạn điều chỉnh

Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công theo ba mức: mức giá tính đủ tiền lương; mức giá tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; mức giá tính đủ tiền lương chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Trên cơ sở đó phân loại đơn vị để thực hiện theo ba mức giá cho phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay một số giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp (tức là chưa được tính đúng, tính đủ). Việc điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ hơn hiện nay chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo ông Khuê, trên thực tế, các chi phí như lương của nhân viên y tế chưa được chi trả, do vậy đã ảnh hưởng đến sự tâm huyết và mức độ cống hiến của nhân viên y tế, không đủ chi phí để tái đầu tư sức lao động, bệnh viện không đủ kinh phí để bổ sung biên chế phù hợp với định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế. Do vậy, việc điều chỉnh giá viện phí chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Vừa qua, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/2/2015 quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong đó đã quy định lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công theo ba giai đoạn: Giai đoạn gần nhất là đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; Giai đoạn thứ hai đến năm 2018, tính dủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định; Giai đoạn thứ ba đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Như vậy, trong năm nay, giá dịch vụ y tế sẽ tếp tục được điều chỉnh, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; Chi phí điện, nước, xử lý chất thải; Chi phí duy tư, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; Chi phí tiền lương, phụ cấp; Chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; Chi phí khấu hao nhà cửa; Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tăng quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế

Ông Nguyễn Nam Liên chỉ rõ, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để hiện các dịch vụ y tế vì chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế hiện nay đã được quy định gồm 7 yếu tố, hiện nay mới tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp trong giá, chưa tính tiền lương, khấu hao nhà cửa, khấu hao trang thiết bị, đào tạo chuyển giao kỹ thuật.

Mục tiêu điều chỉnh giá theo hướng tính đủ chi phí để thực hiện chủ trương cải cách tài chính công, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, nhà nước tiếp tục tăng chi cho y tế nhưng ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng y tế cơ sở, các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần…

Theo ông Nguyễn Nam Liên, khi giá dịch vụ y tế được tính đủ tiền lương và chi phí trực tiếp, bệnh viện sẽ phải tuyển dụng viên chức theo đúng định mức nhân lực, khi đó điều kiện về nhân lực phục vụ, chăm sóc người bệnh được tốt hơn. Các bệnh viện sẽ có thêm kinh phí để duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, nhà cửa, triển khai các dịch vụ theo đúng chất lượng quy chuẩn do Bộ Y tế quy định, là tiền đề để thực hiện việc hạch toán, chuyển đổi mô hình hoạt động của bệnh viện công cho hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính của Bộ Y tế nhấn mạnh: “Việc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương trong giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế.”

Theo phân tích từ Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được lợi đầu tiên vì được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Nguyên nhân là do người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được bảo hiểm y tế thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh đối với các dịch vụ mà trước đây mức giá thấp. Do vậy, nên một số chi phí chưa được kết cấu vào giá nên bảo hiểm y tế không thanh toán đủ các chi phí cho người bệnh.

Trước đây, nhiều dịch vụ do mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ được triển khai, người bệnh bảo hiểm y tế sẽ được hưởng do chi phí hầu hết do bảo hiểm xã hội thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.

Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế vừa đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi người có thẻ bảo hiểm y tế./.

 

THÙY GIANG (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-cham-dut-tinh-trang-2-loai-gia/316293.vnp

Tệp đính kèm