Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1 trên xe tăng 390 - chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975) bỗng lặng đi trong giây phút trước những hình ảnh khốc liệt về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước chạy trên màn hình.
Nhân dân Sài Gòn kéo về dinh Độc Lập chào mừng quân giải phóng.
(Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Khi được hỏi về sự kiện chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, ông chỉ cười và bảo: “Khi đó, chúng tôi chỉ biết dồn sức tiến lên. Đối với những người lính tham gia vào cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, xe nào tiến vào đầu tiên không quan trọng bằng việc giang sơn thu về một mối.”
Đường vào Dinh Độc Lập tháng Tư lịch sử
Năm 1971, chàng thanh niên 18 tuổi Ngô Sỹ Nguyên viết đơn xin gia nhập quân ngũ. Với sở trường bắn súng, chỉ sau ba tháng huấn luyện bộ binh, Ngô Sỹ Nguyên được chọn vào lính tăng thiết giáp. Từ tháng 12 năm ấy, ông chính thức gắn bó với chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội tăng 4 (Tiểu đoàn Tăng 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2).
Ngồi với chúng tôi sau bốn thập kỷ, ông vẫn nhớ như in từng gương mặt đồng đội đã từng kề vai sát cánh, kể rành rọt từng sự kiện, ngày tháng...
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, đơn vị của Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên được giao nhiệm vụ đánh mở đường vào căn cứ quân sự Nước Trong (Biên Hòa) - "cánh cửa thép" phía Đông Bắc Sài Gòn. Đến ngày 28/4/1975, căn cứ này được giải phóng, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn.
“Khi đã ở rất gần Sài Gòn, mỗi người trong chúng tôi đều cảm nhận rất rõ ngày thống nhất đã đến rất gần. Mọi mệt mỏi, đau thương của những tháng ngày chiến đấu, hy sinh gian khổ đã để lại phía sau. Sự háo hức, phấn chấn hiện rõ trên từng gương mặt,” chiến sỹ pháo binh năm xưa kể, gương mặt rạng rỡ.
Ngày 29/4/1975, đại đội trưởng Bùi Quang Thận thay mặt Lữ đoàn 203 nhận cờ mới của quân giải phóng để chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, cắm ở Dinh Độc Lập.
“Ngay trong đêm ấy, chúng tôi nhận lệnh tiến lên phía trước. Đến khu vực ngã ba Thủ Dầu Một, cầu Sài Gòn, địch chống trả quyết liệt. Tiếng đạn pháo ầm ầm từ xe tăng M48, M41 của địch bắn sang và từ các tàu của địch dưới sông Sài Gòn bắn lên. Đạn xé không khí bắn vào xe tăng quân giải phóng. Thân xe bắn ra những ánh lửa vàng,” ký ức hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người cựu binh.
Đại đội tăng 4 lúc đó có bảy xe. Sau tiếng hô “Xung phong!” xe tăng 866 của Trung đội trưởng Lê Tiến Hùng dẫn đầu. Theo sau đó là xe tăng 390 và xe 843. Đến cầu Thị Nghè, xe tăng 866 bị địch bắn, ba đồng chí của ta đã hy sinh.
“Chỉ cần chậm một chút thôi thì cả xe tăng 390 của chúng tôi cũng nằm trong tầm ngắm của đạn địch,” kể tới đây, vị trung sỹ già bỗng lặng đi chừng vài phút.
Theo lời kể của pháo thủ số 1 trên chiếc xe tăng 390, qua ngã tư Hàng Xanh, đường phố Sài Gòn vắng lặng. Đến Dinh Độc Lập, xe tăng 843 bất ngờ rẽ sang trái rồi dừng lại phía ngoài cổng. Thấy vậy, Trung sỹ Nguyễn Văn Tập (lái xe) hỏi Trung úy Vũ Đăng Toàn (chính trị viên đại đội): “Bây giờ, xe ta phải làm thế nào?”
Sau 40 năm, Trung úy Ngô Sỹ Nguyên vẫn nhớ như in câu trả lời quả quyết của đồng chí chính trị viên đại đội: “Cứ tông thẳng cổng vào đi!” Lập tức, lái xe nhấn ga, xe 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập tiến vào. Vào trong sân, đội hình xe tăng bọc thép của địch vẫn còn nguyên.
Trung úy Nguyên kể, một người lính Việt Nam Cộng hòa khi ấy đã nói với ông: “Nếu vừa nãy, điện ở cổng Dinh chưa ngắt thì hôm nay đã thành ngày giỗ của các anh rồi!”
“Không còn nước mắt mà khóc!”
Nhớ về thời khắc lịch sử tiến vào làm chủ Dinh Độc Lập, đôi mắt người cựu binh bỗng nhòe lệ: “Khi đã ở giữa sân Dinh Độc Lập rồi mà tôi vẫn ngỡ ngàng, không biết là thực hay mơ. Những đồng đội đã cùng kề vai sát cánh bỗng ôm lấy nhau khóc. Nhiều người đã không còn đủ nước mắt để khóc. Dòng lệ cạn khô, họ lặng đi vì xúc động.”
Triền miên trong câu chuyện ông Nguyên kể, chỉ trong vòng 15-20 phút sau khi quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, những bà mẹ miền Nam, những cô gái Sài Gòn đứng kín cả đường vào Dinh.
Họ muốn được tận mắt chứng kiến những giây phút cuối cùng của nội các chính quyền Việt Nam Cộng hòa; muốn được đặt chân vào Dinh Độc Lập - nơi mà trước đây họ không thể đến gần.
“Không một tiếng súng nổ, không một chiến sỹ quân giải phóng hay một người lính Việt Nam Cộng hòa nào ngã xuống trong Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975. Cấp trên đã có chỉ đạo, nếu phía địch không phản kích thì quân ta cũng không được nổ súng,” người chiến sỹ năm xưa hồi tưởng.
Trung sỹ bảo, ông sẽ không bao giờ quên câu nói của Thượng tướng Trần Văn Trà với Tổng thống Dương Văn Minh trong thời điểm lịch sử ấy: “Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng đế quốc Mỹ.”
Trên chiếc xe tăng 390 năm ấy có Trung sỹ Nguyễn Văn Tập (lái xe), Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1), Thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2) và Trung úy Vũ Đăng Toàn (chính trị viên đại đội).
Giờ đây, bốn con người ấy, dù ở những quê khác nhau nhưng số phận của họ đã gắn chặt với nhau bằng tình đồng đội, đồng chí.
“Mỗi dịp tháng Tư về, chúng tôi đều cố gắng hội ngộ, cùng ôn lại quá khứ. Tâm hồn như trẻ lại thuở thanh niên xông pha nơi trận mạc, hạnh phúc với đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc, trong đó có phần đóng góp nhỏ bé của mình,” chiến sỹ pháo thủ trên xe tăng 390 - biểu tượng chiến thắng, sức mạnh của Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước nghẹn giọng./.
AN NGỌC (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/gio-phut-tiep-quan-dinh-doc-lap-khong-con-nuoc-mat-ma-khoc/319258.vnp