Cập nhật: 28/04/2015 09:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng có sự ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình.

Ảnh tư liệu. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Nhân dịp này, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về phong trào nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần vào thắng lợi chính trị, ngoại giao, quân sự, làm nên sự kiện lịch sử mùa xuân năm 1975.

- Ông có thể điểm lại những phong trào bạn bè quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước?

Ông Vũ Xuân Hồng: Có thể nói phong trào nhân dân thế giới ủng hộ và bảo vệ Việt Nam đã có ngay từ khi đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam. Nòng cốt của các phong trào này từ nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các phong trào này đã phát triển tạo nên mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chưa từng có trong lịch sử thế kỷ 20.

Phong trào đó phát triển rộng khắp ở tất cả các châu lục, bao gồm các tầng lớp nhân dân, từ những người dân thường đến trí thức, từ người già đến người trẻ, sinh viên, nhà báo, kể cả những chính khách ở các nước tư bản lúc bấy giờ. Ở mỗi nước có một lực lượng nòng cốt gọi là nhóm đoàn kết với Việt Nam.

Ở mỗi châu lục đều có sự liên kết tạo thành một mạng lưới, cả thế giới liên minh lại thành một mặt trận có thể nói là “nhất hô bá ứng”, đồng hành với từng chiến dịch, từng giai đoạn phát triển và từng đà thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Về hình thức có thể nói rất đa dạng, phong phú, đó là những cuộc tuần hành biểu tình xuống đường đông tới nửa triệu người, có những cuộc quyên góp rộng khắp toàn thế giới. Đó là hình ảnh Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme đích thân xuống đường lấy chữ ký phản đối Mỹ ném bom Việt Nam; những hoạt động phối hợp với Việt Nam trong từng chiến dịch, nhất là sau này ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, kết hợp với hòa đàm ở Paris, tạo ra một áp lực để Mỹ rút khỏi Việt Nam và đồng thời tạo điều kiện để chúng ta tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chúng ta không bao giờ quên những các phong trào như Áo ấm cho Việt Nam, Xe đạp cho Việt Nam, Tủ thuốc cho Việt Nam. Không bao giờ chúng ta quên những lời nói bất hủ đã tạo thành động lực, không những động viên nhân dân Việt Nam mà còn tạo thành khẩu hiệu để tập hợp nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam như câu nói của Chủ tịch Fidel Castro: “Vì Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Và ở Ấn Độ lúc bấy giờ đi đâu cũng thấy một câu nói: “Tên tôi là Việt Nam, tên anh là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam. ”

Trong phong trào đoàn kết của nhân dân thế giới có phong trào phản chiến ở nước Mỹ. Nhận thức được sự sai lầm của cuộc chiến tranh và cũng chính bởi yêu nước Mỹ, đã có những người lính phản chiến, sinh viên Mỹ xuống đường biểu tình. Và trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, chúng ta đã đón hơn 600 chiến sỹ hòa bình của Mỹ sang Việt Nam.

Khi trở về nước, họ đã trở thành những người tuyên truyền mạnh mẽ về tội ác của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời vì chính lợi ích của nhân dân Mỹ và của nước Mỹ, họ đã yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Về sự giúp đỡ vật chất cũng rất đa dạng, đó là thuốc men, quần áo, phương tiện học tập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế... Đối với từng chiến dịch, bạn bè quốc tế đã đồng hành cùng Việt Nam.

- Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nhưng gặp muôn vàn khó khăn, vậy Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế như thế nào? Và công tác tri ân của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với bạn bè quốc tế đã được tiến hành ra sao, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Hồng: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có thể nói rằng đây là chiến thắng chung của cả nhân loại, chiến thắng chung của các lực lượng dân chủ, tiến bộ, hòa bình. Đi vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước, bạn bè quốc tế vẫn ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau, cùng kề vai sát cánh với chúng ta khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước.

Riêng về viện trợ phi chính phủ nước ngoài, trong bốn thập kỷ qua, tổng số viện trợ phi chính phủ nước ngoài đối với Việt Nam trị giá khoảng 4 tỷ USD, tập trung vào xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, vấn đề chất độc da cam, bom mìn/vật liệu nổ còn sót lại, vấn đề môi trường, y tế, giáo dục, nhà cửa cho những người nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa và hầu như tất cả 63 tỉnh, thành phố hiện nay đều có sự hỗ trợ, giúp đỡ đó.

Việt Nam bây giờ trở thành một nước có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước. Hơn 200 nước, các vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. ODA hằng năm ngày càng được sử dụng một cách hiệu quả. FDI đã trở thành một yếu tố quan trọng cho nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Hợp tác trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, chuyển giao công nghệ cũng được đẩy mạnh.

Trên nền tảng của phong trào đoàn kết trước đây, Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với tinh thần hợp tác cùng có lợi. Có thể nói đối ngoại đã phục vụ xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với sự chung thủy, biết ơn của mình, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” đã có những hoạt động tri ân bạn bè quốc tế.

Bác Hồ trong Di chúc của mình đã bày tỏ niềm mong mỏi đến ngày thắng lợi, Bác sẽ đi các nước để cảm ơn bạn bè khắp năm châu đã hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam. Thực hiện lời Di chúc của Bác, chúng ta đã làm rất tốt công tác tri ân với bạn bè quốc tế.

Với tinh thần không cái gì được quên, không cái gì không được nhớ tới, chúng ta đã cố gắng để từng nghĩa cử, từng quan hệ, từng công việc đều trân trọng, biết ơn bạn bè quốc tế đã hỗ trợ, giúp đỡ trong những năm tháng qua. Trên cơ sở đó, tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy phong trào đoàn kết với Việt Nam, bảo vệ, ủng hộ và hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong tình hình mới.

- Xin ông cho biết ý nghĩa của chuỗi hoạt động do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?

Ông Vũ Xuân Hồng: Với nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tình cảm vừa là tri ân bạn bè quốc tế, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam mời khoảng 100 đại biểu quốc tế. Đây là những bạn bè đại diện cho các tổ chức, cũng như bản thân họ là những cá nhân đã có những đóng góp hết sức xuất sắc cho Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như công cuộc xây dựng, phát triển sau này.

Chúng tôi sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động từ ngày 27/4-2/5, trong đó sẽ có những cuộc giao lưu giữa cựu chiến binh với cựu chiến binh, rồi đại diện những tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, những người tham gia phong trào phản chiến trước đây sẽ có những cuộc trao đổi, chia sẻ đối với những tổ chức nhân dân Việt Nam như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên và đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Chúng tôi tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa những nhân chứng lịch sử, những người đã xuống đường thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ Việt Nam trong thời gian chiến tranh khi tuổi đời còn rất trẻ... Đây là những vị ân nhân xuyên thế kỷ của Việt Nam .

Chúng tôi tổ chức những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ để bạn bè quốc tế tìm hiểu thực tế của đất nước, trên cơ sở đó thấy được những thành tựu của Việt Nam sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời chúng ta cũng thấy được những thành tựu, thách thức để cùng nỗ lực vượt qua, tiếp tục phát triển đất nước của mình trong tình hình mới.

Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có cuộc tiếp các đại biểu quốc tế và các bạn sẽ tham dự Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, thứ nhất là để tôn vinh tầm vóc vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975, đồng thời cũng là chiến thắng chung của loài người tiến bộ. Thứ hai là để chúng ta tri ân bạn bè quốc tế, trên cơ sở đó tiếp tục duy trì mối quan hệ, cung cấp thông tin để bạn hiểu tình hình Việt Nam, cũng như có những hình thức ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đặc biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam, tôi hy vọng rằng sẽ có suy nghĩ qua tất cả những câu chuyện này, tại sao những người nước ngoài lại yêu đất nước Việt Nam chúng ta đến thế, xả thân vì đất nước chúng ta đến thế và dành cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp đoàn kết với Việt Nam. Chúng ta tự hào, tri ân và luôn nỗ lực sống xứng đáng với niềm tin yêu của bạn bè quốc tế./.

 

HOÀNG THỊ HOA (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/phat-huy-tinh-doan-ket-quoc-te-tu-nhung-nam-thang-chien-tranh/319984.vnp

Tệp đính kèm