Cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, do virut người khác. Đối với “bà bầu” cúm sẽ mang nhiều hệ lụy cho cả mẹ và con…
Vì sao bà bầu dễ mắc cúm?
Cúm có thể xảy ra hàng năm, nhưng thường xuất hiện vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành do hơi nước bọt bắn ra khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi có chứa virut cúm. Ở nước ta các virut gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Phụ nữ mang thai do có nhiều thay đổi về cơ thể và sức khỏe, đặc biệt, do có sự thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch của người phụ nữ bị suy giảm nhiều so với người bình thường, khiến cho sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật cũng bị yếu đi nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Các bệnh truyền nhiễm do virut, vi khuẩn là nguy cơ hàng đầu đối với phụ nữ mang thai trong đó có bệnh cúm. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch. Ở phụ nữ mang thai khi mắc cúm thường nặng hơn và thời gian bị bệnh cũng thường kéo dài hơn…
Để phòng ngừa cúm tốt nhất là tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
Cũng giống như những người bình thường khác, khi mắc cúm dấu hiệu và triệu chứng của cúm ở phụ nữ mang thai cũng bao gồm sốt, ho, đau họng, chảy mũi nước hay nghẹt mũi, đau mình, đau đầu và ớn lạnh…
Những nguy cơ
Ở phụ nữ mang thai cúm có thể dẫn đến viêm phổi do virut cho mẹ. Không những thế, các loại virut cúm nói chung và virut cúm A/H1N1 nói riêng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ trong suốt quá trình mang thai như suy tim, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết...
Nếu phụ nữ mang thai mắc cúm, nhất là trong ba tháng đầu của thai kỳ (thai dưới 12 tuần) có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi như thai chết lưu, dị tật bẩm sinh... Sốt cao và độc tố của virut cúm còn kích thích tử cung thai phụ co bóp, gây sảy thai hoặc sinh non. Những trẻ sinh non do người mẹ mắc cúm thường khó bảo toàn được tính mạng.
Điều mà các bà mẹ lo lắng nhất đó là cúm có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hở hàm ếch, tim bẩm sinh (hở van tim) và gây ra một số khiếm khuyết trên cơ thể…
Các nhà nghiên cứu của Viện Tâm thần New York (Hoa Kỳ) còn cho biết, có mối tương quan giữa sự nhiễm cúm của người mẹ trong thời kỳ mang thai với nguy cơ rối loạn tâm thần khi bé trưởng thành. Nguy cơ này là do não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ. Các kháng thể cúm của mẹ lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai và các thuốc trị cúm có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương của thai nhi…Tuy nhiên, thai phụ mắc cúm trong giai đoạn từ tuần thai thứ 12 đến 25 ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi hơn các giai đoạn khác. Còn nếu mắc cúm trong giai đoạn từ tuần thứ 25 trở đi cần đề phòng sinh non.
Phòng bệnh như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh cúm tốt nhất là tiêm phòng. Đối với phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng. Ngoài việc tiêm phòng vắc-xin, cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường ăn các loại rau quả có chứa vitamin C, giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh stress. Bảo vệ niêm mạc đường hô hấp bằng cách: đeo khẩu trang; sử dụng kháng thể đặc hiệu; vệ sinh mũi họng; tránh tiếp xúc nơi đông người khi đã có dịch và tránh tiếp xúc với người bị bệnh (mắc cúm)...
Trong thời gian mang thai cần hết sức phòng tránh nhiễm cúm. Nếu có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi… cần đi khám bệnh. Trường hợp nhiễm cúm phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mà người bệnh không được tự ý dùng thuốc để tránh những tác động có hại của thuốc lên thai nhi.
Theo BS. Lê Xuân Bách
http://suckhoedoisong.vn/