Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã tới, cũng bắt đầu thời điểm Tháng Công nhân 2015 với chủ đề "Công đoàn tiếp tục đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; vì việc làm, đời sống của người lao động" đang diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước.
Năm nay, bước sang năm thứ tư triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 77-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chọn tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Người lao động đang đón nhận những niềm vui mà công đoàn, doanh nghiệp, người sử dụng lao động dành cho họ.
Đó là những “Ngày hội công nhân lao động” ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà trọ, nhà lưu trú. Các “Phiên chợ cuối tuần” với nhiều mặt hàng ưu đãi cho công nhân. Các “Sàn giao dịch việc làm” cũng được mở ra giúp công nhân, nhất là công nhân bị mất việc tìm kiếm được công việc mới tốt hơn. Cùng với phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”, các chương trình gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc cho công nhân cũng được tổ chức cùng với hoạt động tôn vinh những công nhân giỏi nghề, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Công nhân tham gia hoạt động giải trí sau giờ làm việc - Ảnh: Minh Châu
Chỉ riêng dịp Tết Ất Mùi, theo báo cáo của 54 công đoàn ngành, địa phương, các cấp công đoàn đã trao gần 1,46 triệu suất quà tết cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... với tổng số tiền ước tính gần 1.326 tỷ đồng; từ nguồn kinh phí công đoàn và vận động doanh nghiệp hỗ trợ gần 87.000 vé xe cho người lao động về quê đón tết với số tiền trên 40,2 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 181 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở kịp đón Xuân mới với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Năm 2015 này, người lao động đón nhận thêm niềm vui khi ngày 13/2/2015 vừa qua, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020” trong đó đề ra những giải pháp cơ bản để phát triển chất lượng giai cấp công nhân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, trọng tâm là hướng tới 80% công nhân đạt trình độ THPT, 40% công nhân có tay nghề cao, tổ chức cho công nhân học các chương trình sơ cấp, trung cấp chính trị hoặc cao hơn, bồi dưỡng các kiến thức pháp luật và kỹ năng sống.
Dù vậy, theo con số công bố mới nhất, vẫn còn có đến 5,5 triệu lao động thuộc diện phải tham gia nhưng vẫn chưa được đóng bảo hiểm y tế. Năm 2014, vẫn có tới 630 người chết và trên 1.500 người bị thương nặng vì tai nạn lao động, gần 28 nghìn người lao động mắc các bệnh liên quan đến công việc. Đáng chú ý, những con số không vui này lại không ngừng tăng lên qua các năm.
Những bữa ăn vốn dĩ để công nhân duy trì, tái tạo sức lao động thực tế lại rất đạm bạc, không đủ chất dinh dưỡng, thậm chí xảy ra liên tiếp những vụ ngộ độc thực phẩm. Xung quanh chúng ta, vẫn còn biết bao người lao động mơ ước một ngôi nhà dù là bé nhỏ của riêng mình, biết bao người sau nhiều năm lao động vẫn không có được khoản tiền đóng học phí cho con, chữa bệnh cho mình, biết bao người sau cả một năm lao động vất vả vẫn phải chịu một cái Tết tha hương khi số tiền dành dụm không đủ để có một cái Tết sum vầy cùng gia đình.
Thiết nghĩ, những con số đáng buồn, những vụ việc, hình ảnh day dứt nêu trên chỉ có thể được đẩy lùi khi “doanh nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở vun đắp, chăm lo, trân trọng, phát huy vốn quý nhất là người lao động, làm cho người lao động thêm yêu quý và xem doanh nghiệp như là ngôi nhà của mình, hạnh phúc thực sự và tự hào sâu sắc về kết quả lao động, về sự lớn mạnh và vươn xa của doanh nghiệp” như phát biểu của Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thanh Hải tại lễ phát động “Tháng Công nhân” của thành phố Hà Nội diễn ra mới đây.
Mỗi công nhân, người lao động cũng cần ý thức hơn về nhiệm vụ học tập vì lợi ích của bản thân, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của đất nước. Ảnh: Tường Vy
Và mỗi người lao động, các cấp công đoàn hãy cùng phát huy tốt hơn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cùng người sử dụng lao động xây dựng nên những điều tốt đẹp nhất ấy. Khi đó, người lao động chắc chắn sẽ có việc làm ổn định, thu nhập sẽ được cải thiện để có thêm điều kiện chăm lo cho gia đình, bồi dưỡng sức khỏe để duy trì tuổi thọ nghề nghiệp, làm việc lâu dài.
Mỗi công nhân, người lao động cũng cần ý thức hơn về nhiệm vụ học tập vì lợi ích của bản thân, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của đất nước. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần tích cực phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng chế độ, chính sách khuyến khích người lao động học tập nâng cao tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi và động viên công nhân học tập, tổ chức các lớp học thích hợp để người lao động tham gia.
Xây dựng một xã hội học tập cho công nhân lao động chính là xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại kinh tế tri thức, mở ra nhiều cơ hội cho người lao động hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Minh Châu
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam