Hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng như có nhiều cảnh quan đẹp, hệ sinh vật rừng và biển đa dạng, bãi tắm, bãi san hô… là những lợi thế không nhỏ để hình thành các sản phẩm du lịch tại huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị).
Một góc trung tâm của huyện đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Với diện tích khoảng 2,3km2, nằm ở cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, đảo Cồn Cỏ có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong mối quan hệ kinh tế, lãnh thổ và quốc phòng-an ninh của đất nước.
Được mệnh danh là một viên ngọc thô, với các yếu tố thuận lợi, sức hấp dẫn riêng, phát triển du lịch biển đảo Cồn Cỏ gắn với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cùng với các hoạt động thể thao dưới nước như bơi lặn, chèo thuyền, ngắm san hô…; du lịch ẩm thực thưởng thức các đặc sản biển miền Trung; du lịch sinh thái câu cá, câu mực...; du lịch thể thao biển, nghiên cứu hải dương học, lặn biển, đi thuyền đáy kính xem san hô; phát triển các dịch vụ, các ngành nghề bổ trợ cho du lịch như ăn uống, giải khát, hàng lưu niệm, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản… với các sản phẩm được cung cấp trực tiếp từ người dân trên đảo.
Là một đảo tiền tiêu, Cồn Cỏ nằm trong chuỗi địa danh lịch sử nổi tiếng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như hàng rào điện tử Macnamara; cầu Hiền Lương trên vĩ tuyến 17, địa đạo Vĩnh Mốc… gắn liền với cuộc chiến tranh anh dũng của dân tộc. Nhiều trận địa, di tích trên đảo gắn liền với những chiến công hiển hách, những kỳ tích sống và chiến đấu của một thời đại anh hùng.
Cồn Cỏ được coi là chiến hạm không bao giờ đắm trên vùng biển của đất nước. Bởi vậy, nếu được đầu tư đúng mức, đảo Cồn Cỏ không chỉ là địa điểm hấp dẫn về du lịch sinh thái, mà còn làm phong phú thêm tuyến du lịch lịch sử và sinh thái biển đảo, khi kết hợp với các di tích lịch sử cách mạng hào hùng trên đất Quảng Trị.
Được tách khỏi huyện Vĩnh Linh vào năm 2004, dân số huyện đảo có khoảng 400 người, bao gồm lực lượng thuộc khu dân cư thanh niên xung phong, cán bộ huyện và các lực lượng vũ trang. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ với hệ thống giao thông đường bộ; hệ thống âu tàu, cảng cá; kè chống xói lở Bến Tranh; hồ chứa nước ngọt; khu trung tâm hành chính… Dân cư phân bố tập trung ở khu vực phía Nam của đảo. Ngoài ra, ở khu vực trung tâm và quanh đảo đều có các khu cư trú của các đơn vị quân đội phục vụ cho nhiệm vụ an ninh-quốc phòng. Nếu được đầu tư xây dựng, quy hoạch hợp lý trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học sẽ mở ra hướng phát triển du lịch trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Lanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo, cho biết đảo Cồn Cỏ được định hướng xây dựng thành đảo du lịch, là một trong ba đỉnh tam giác du lịch Cửa Tùng-Cửa Việt-Cồn Cỏ và nằm trong vùng động lực kinh tế phía Bắc của tỉnh Quảng Trị. Trên thực tế, nhu cầu đi du lịch của người dân ra đảo là rất lớn. Thời gian qua tuy chưa có các tour du lịch chính thức, nhưng hàng năm đã có hàng trăm đoàn ra tham quan du lịch đảo Cồn Cỏ.
Việc phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ còn có nhiều khó khăn, trong đó hạ tầng phục vụ du lịch, điện, tàu du lịch chở khách từ đất liền ra đảo, nơi lưu trú và các dịch vụ phục vụ du khách chưa đảm bảo... Để xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch, huyện đang tập trung tạo dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là điện, nước và tàu du lịch đưa, đón khách...
Đảo Cồn Cỏ cùng với Cửa Tùng-Cửa Việt được xác định sẽ là vùng động lực phát triển du lịch trên Hành lang kinh tế Đông-Tây, tạo thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển tổng hợp mang tầm quốc gia, nếu được đầu tư đúng mức sẽ kết hợp với các điểm du lịch trong tỉnh và khu vực, tạo thành sản phẩm du lịch liên hoàn.
Với những lợi thế đó, Đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị xây dựng với mong muốn phát triển du lịch trên đảo nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội./.
TRẦN TĨNH-THANH THỦY (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/xay-dung-con-co-thanh-khu-du-lich-sinh-thai-bien-tam-quoc-gia/322858.vnp