Việc tiến tới toàn dân tham gia BHYT tế là chủ trương đúng đắn nhưng khó thực hiện khi bắt buộc người dân mua BHYT theo cả hộ gia đình.
Thời gian tới, với việc điều chỉnh giá viện phí, chắc chắn việc tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) là cần thiết và cấp thiết. Nói như lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì thẻ BHYT sẽ như lá bùa hộ mệnh của mỗi người dân. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Hiện tại, rào cản lớn nhất hướng đến mục tiêu toàn dân tham gia BHYT ở nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc này.
Một số đại lý bán BHYT, cán bộ y tế phường, xã cho rằng: người dân vẫn còn tâm lý có bệnh thì mới mua BHYT và những người chủ động mua chủ yếu là người lớn tuổi, hoặc mắc các bệnh mãn tính.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân ngán ngại việc tham gia Bảo hiểm Y tế chính là chưa tin tưởng vào chất lượng khám và điều trị sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cho biết: “Người dân đa phần nghĩ là khi nào bệnh thì mới chữa, không có tâm lý mua trước để dự phòng khi có bệnh thì sử dụng. Thành ra chỉ có người bệnh mới mua BHYT. Những người khác không mua do nghĩ rằng mua mà không sử dụng thì phí tiền. Với địa phương có đông người lao động, tôi nghĩ mua BHYT theo hộ gia đình là không khả quan lắm, không. Nếu bắt buộc mua thì Nhà nước phải hỗ trợ thêm nữa”.
Có nên bắt buộc phải mua BHYT theo hộ gia đình?
Theo Thạc sĩ Nguyễn Duy Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Y tế và Quản trị bệnh viện thì đây là tâm lý mua bán. Mua để có ngay một món hàng mình cần. Và nếu không được bảo đảm về sức khỏe thì sẽ không mua. Điều đó không đúng với bản chất của việc tham gia Bảo hiểm Y tế.
“Về mặt bản chất, Bảo hiểm là sự chia sẻ chứ không phải là mua vé vào cổng. Khi chúng ta còn khỏe, chúng ta đóng bảo hiểm để người được hưởng những phần những người khỏe cùng chia sẻ với họ. Và khi họ khỏe rồi, họ không bệnh nhưng vẫn phải đóp góp cho những người khác. Nếu người dân ai cũng hiểu thì những thắc mắc sẽ không xảy ra. Hiện nay, người ta thích từ thiện. Nhưng kênh từ thiện lớn nhất chính là bảo hiểm. Chúng ta từ thiện mỗi ngày, từng chút một để khi mình khỏe mình giúp người bệnh và khi chúng ta bệnh, người khỏe người ta giúp mình” - Thạc sĩ Nguyễn Duy Thuận cho biết.
Ngoài tâm lý có bệnh mới mua Bảo hiểm Y tế thì người dân vẫn còn chưa tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh bằng loại thẻ này. Sự e ngại bắt nguồn từ thực tế vẫn có khoảng cách giữa khám dịch vụ và khám sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế, như: về thủ tục, thời gian chờ đợi, thái độ phục vụ của nhân viên y tế cũng như chất lượng thuốc điều trị...
Theo một chuyên gia nghiên cứu về Kinh tế Y tế, sự khác biệt này do có sự độc quyền trong khai thác thị trường Bảo hiểm Y tế toàn dân nên giá là thấp nhất có thể, đồng nghĩa với giá dịch vụ khám chữa bệnh và giá thuốc cũng sẽ hạn chế ở mức rất thấp. Vì thế, chỉ khi trong thị trường Bảo hiểm Y tế toàn dân có nhiều đơn vị tham gia cung cấp những mức giá khác nhau thì người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và thu hút được nhiều người hơn.
Trong khi chưa giải quyết thấu đáo vấn đề về nhận thức của người dân, vấn đề thanh toán của Bảo hiểm Y tế với các bệnh viện thì khi áp dụng vào thực tế, quy định bắt buộc mua Bảo hiểm Y tế theo cả hộ gia đình đã tạo nên tác dụng ngược. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 3 tháng đầu năm nay, số người tham gia Bảo hiểm Y tế đã giảm 1,2 triệu thẻ so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đối tượng tham gia Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình giảm 15%.
Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế nhận định: “Tham gia Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình vẫn còn đang gặp một số thách thức. Thứ nhất là người dân chưa được tiếp cận thông tin về mặt pháp luật là đã áp dụng cơ thế tham gia Bảo hiểm Y tế phải theo hộ gia đình. Vì thế họ chưa có tâm thế sẵn sàng tham gia. Thứ hai là có một số hướng dẫn chưa đầy đủ nên một số địa phương thực hiện cũng còn khó khăn”.
Hiện tại, những khúc mắc nội tại của ngành Y tế như chất lượng điều trị, hay quá tải bệnh viện... không thể được giải quyết nhanh và câu chuyện độc quyền trong thị trường Bảo hiểm Y tế chắc chắn cũng là vấn đề còn phải tranh cãi nhiều. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại việc tiếp tục áp dụng quy định bắt buộc phải tham gia Bảo hiểm Y tế theo hộ gia đình.
Bà Đặng Thị Phước, ở Quận 10, một trong những người có nhu cầu nhưng lại không thể tham gia Bảo hiểm Y tế vì vướng phải quy định phải tham gia theo cả hộ gia đình kiến nghị: “Ai cũng có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng bắt buộc mua cả hộ gia đình thì cũng có điều nghịch lý. Cần đề nghị sửa đổi lại. Tôi đã bước sang tuổi 50 rồi, cũng cần mua Bảo hiểm Y tế nhưng không mua được do có một người trong gia đình không chịu mua. Không lẽ tôi phải bỏ tiền ra mua cho người đó luôn. Để người dân mua tự nguyện là hợp lý. Đừng bắt mua hết cả hộ gia đình”.
Để huy động toàn dân tham gia Bảo hiểm Y tế, bên cạnh việc tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức thì vẫn nên để người dân được lựa chọn hình thức tham gia theo cá nhân hoặc theo hộ gia đình. Mức giá giảm dần khi có nhiều người tham gia đã nhận được sự tán thành của người dân, sẽ là một trong những yếu tố khuyến khích động viên người dân tham gia Bảo hiểm Y tế./.
Theo Hiếu Hiền/VOV.VN