Cập nhật: 09/06/2015 09:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tuy nhiên mỗi nước lại không đưa ra các mục tiêu mang tính ràng buộc riêng, khiến nhiều nhà hoạt động môi trường hoài nghi về hiệu quả những tuyên bố này.

Cuộc họp của lãnh đạo các nước G7. (Ảnh: AFP)

Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) ngày 8/6 cam kết hướng tới xây dựng các nền kinh tế các-bon thấp và thông qua mục tiêu giảm lượng phát thái khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Song mỗi nước lại không đưa ra các mục tiêu mang tính ràng buộc riêng, khiến nhiều nhà hoạt động môi trường hoài nghi về hiệu quả những tuyên bố này.

Trong thông cáo chung sau hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định sự ủng hộ đối với  mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, cũng như mục tiêu toàn cầu giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ 40%-70% từ nay đến năm 2050 so với năm 2010.

Là lãnh đạo nước chủ nhà của hội nghị năm nay và cũng là một nhà hoạt động môi trường tích cực, Thủ tướng Đức  Angela Merkel hi vọng sẽ nhận được những cam kết cụ thể của các nước thành viên G7 về việc cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính để từ đó phát đi một thông điệp mạnh mẽ, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là tới Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp, vào cuối năm nay.

Thủ tướng Đức Marken nói: “Chúng ta cần thiết lập các quy định mang tính ràng buộc, xem đây là trọng tâm của một thỏa thuận về khí hậu. Tới nay, thế giới vẫn không có bất kỳ quy định mang tính ràng buộc nào và vì thế chúng ta cần phải xem đây là một mục tiêu phải đạt được tại Paris. Chúng ta phải đảm bảo rằng, tất cả các nước sẽ phát triển theo cách  mà sẽ giúp đảm bảo nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C và chúng tôi cam kết hoàn thành mục tiêu này.”

Liên quan tới hội nghị này, các nhà lãnh đạo G7 một lần nữa khẳng định quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy việc thông qua một nghị định thư về khí hậu tại Paris, vốn được xem là một công cụ pháp lý mang tính ràng buộc trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, văn kiện này phải cải thiện được tính minh bạch và trách nhiệm, đặc biệt là phải bao gồm các quy định mang tính ràng buộc nhằm đảm bảo  những bước tiến trong việc thực hiện các mục tiêu. Điều này sẽ cho phép tất cả các nước đều được hưởng lợi từ một sự phát triển cân bằng và một nền kinh tế các-bon thấp, phù hợp với mục tiêu chung giữ nhiệt độ trái đất không quá 2 độ  C vào cuối thế kỷ này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Chúng ta tiếp tục đạt được những bước tiến hướng tới một thỏa thuận toàn cầu mạnh mẽ về khí hậu trong năm nay. Tất cả các nước G7 đều đã đưa các mục tiêu cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kinh từ nay tới năm 2020 và sẽ tiếp tục thúc đẩy các nước phát thải nhiều nhất có những bước đi tương tự. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết về tài chính nhằm giúp các nước đagn phát triển chuyển đổi sang nền kinh tế cácbon thấp.”

Tuy nhiên, những tuyên bố này dường như vẫn là chưa đủ. Theo các nhà hoạt động môi trường, các nhà lãnh đạo G7 đã phát đi những thông điệp chính trị quan trọng, song họ vẫn có thể làm nhiều hơn, đặc biệt là đưa ra những cam kết quốc gia cụ thể để hướng tới một hành động ngay lập thức.

Các nhà khoa học cảnh báo, dựa trên đánh gía lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hiện nay và các biện pháp cắt giảm mà các nước đang thực hiện hoặc cam kết thực hiện, nhiệt độ trái đất sẽ tăng trung bình 4 độ C từ nay đến năm 2100.

Việc tăng 2 độ C so với mục tiêu đề ra tại Hội nghị ở Copenhagen năm 2009 có thể khiến nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương trở nên không có người ở, làm gia tăng số lượng các thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu và dẫn tới những luồng di dân khổng lồ./.

Theo Thu Hoài/VOV.VN

Tệp đính kèm