Cập nhật: 11/06/2015 09:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kết quả của cuộc điều tra xã hội học được một số tờ báo dẫn đăng gần đây cho thấy con số “bất ngờ” về vấn đề “quốc phòng toàn khối” của NATO (Khối quân sự bắc Đại Tây Dương).

Bình quân chỉ có 48% dân của các nước thành viên NATO ủng hộ tham chiến để giúp một

nước thành viên nào đó của khối trong trường hợp bị tấn công - Ảnh: Reuters

Tổ chức Pew Research Center (Mỹ), chuyên nghiên cứu về xã hội học mới đây đã tiến hành thăm dò dư luận xã hội tại các nước là thành viên của khối NATO về phản ứng của các nước thành viên NATO khi một nước bị tấn công (điều 5 của Hiệp ước ký kết năm 1949 có ghi “việc tấn công một nước thành viên bằng quân sự sẽ bị coi là sự tấn công tới cả khối NATO… ”.

Kết quả của cuộc điều tra tại 6 cường quốc của NATO đã cho thấy nguyên tắc “quốc phòng toàn khối” đã không được nhiều người dân của các nước này “mặn mà”. Bình quân chỉ có 48% dân của các nước này ủng hộ tham chiến để giúp một nước thành viên nào đó của NATO trong trường hợp bị tấn công.

Tại Đức, 58% ý kiến không ủng hộ việc tham chiến để bảo vệ “láng giềng trong NATO” như đã cam kết. Ở Pháp, con số này là 53%, Mỹ là 56%, Canada là 53%. Còn tại Anh, quốc gia châu Âu luôn thể hiện sự cứng rắn với Nga trong vấn đề Ukraine, cũng chỉ có chưa tới 50% số người được hỏi ủng hộ việc tham chiến.

Kết quả điều tra cũng cho thấy các ý kiến rất khác nhau về nguồn gốc của xung đột quân sự đang diễn ra ở miền Đông Nam Ukraine hiện nay. Tại Balan, có 57% ý kiến cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột này, trong khi đó ở Đức và Italy chỉ có 29% ý kiến ủng hộ cho nhận định này.

Không trợ giúp vũ khí

Mặc dù phần đông các ý kiến tại các nước NATO ủng hộ trợ giúp kinh tế cho Ukraine nhưng về trợ giúp quân sự thì không thực sự sẵn lòng. Chỉ có các ý kiến tại Ba Lan là nhiệt tình trước vấn đề phải cung cấp vũ khí cho Ukraine còn các nước khác thì ý kiến này là thiểu số.

Hơn một nửa số ý kiến được thăm dò tại Mỹ phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tại Đức, có 77% ý kiến có cùng quan điểm này.

Ngay trong một quốc gia, các luồng ý kiến về vấn đề Ukraine cũng rất khác nhau. Tại miền Tây của nước Đức, có 19% người dân thể hiện sự ủng hộ quan điển của Tổng thống Nga V.Putin, trong khi đó tại miền Đông thì con số này lại là 40%.

Ở Mỹ, để giải quyết khủng hoảng ở Ukraine, đảng Cộng hòa tỏ ra cứng rắn hơn đảng Dân chủ.

Phạm Hoàng

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm