Cập nhật: 12/06/2015 09:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc ông Miura "quay" cầu thủ quá nhiều ở vòng bảng khiến người hâm một đặt ra nghi ngờ về năng lực thật sự của đội bóng.

Đức Huy gặp nhiều khó khăn khi đá trái cánh sở trường.

Việc U23 Việt Nam giành vé vào bán kết SEA Games 28 chỉ sau 4 trận đấu không phải là điều quá bất ngờ. Đơn giản, đối thủ của chúng ta không quá mạnh. Ngoại trừ trận thắng 5-1 U23 Malaysia một cách dễ hơn dự kiến. Ở 3 trận còn lại, trước U23 Lào, Đông Timor và Brunei, các cầu thủ của ông Miura vẫn chưa tỏ ra sắc sảo và lạnh lùng, thứ phẩm chất cần có của một nhà vô địch.

Còn trận đấu cuối với U23 Thái Lan, việc sử dụng tới 5 hậu vệ mà theo HLV trưởng người Nhật lý giải đó là thử nghiệm đã hoàn toàn sụp đổ. Để đối thủ ghi 3 bàn thắng trước khá dễ dàng và đều xuất phát từ những sai lầm của “quân ta” thì thật sự là điều đáng trách.

Mang 20 tuyển thủ sang Singapore với tham vọng tìm vàng, sự sứt mẻ đã diễn ra khi Tấn Tài gặp chấn thương ngay trận đầu và phải về nước. Trong tay còn 19 người, ông Miura đã thực hiện xoay tua đội hình một cách triệt để khi sử dụng toàn bộ cả 19 cầu thủ này cho 5 trận ở vòng bảng. Mỗi trận, ông lại sử dụng một đội hình khác nhau. Điều này khiến cho đối thủ và giới chuyên môn khó mường tượng được, sức mạnh thật sự của U23 Việt Nam nằm ở đâu. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, sau trận thua Thái Lan ở lượt đấu cuối, đã có những nghi ngờ về khả năng thật sự của đội bóng áo đỏ.

Cầu thủ không phải ai cũng đa năng

Trong bóng đá chuyên nghiệp, mỗi vị trí trên sân đều được định hình sẵn và một cầu thủ không thể chơi ở nhiều vị trí. Tuy nhiên, ông Miura đã làm ngược lại điều này. Tính riêng ở vị trí hậu vệ phải, qua 5 trận ông sử dụng tới 5 người khác nhau. Điều này khiến bản thân cầu thủ của ông cũng không biết đâu mà lần. Điển hình như trường hợp Đức Huy trong trận gặp U23 Thái Lan, được ông thầy xếp đã cánh phải và anh quá lạ lẫm với vị trí này.

Việc sắp xếp này khiến cầu thủ không ý thức được bản thân mình đang chơi ở đâu và thường xuyên bỏ vị trí.  Những sai sót bộc lộ rõ ở bàn thua đầu tiên khi số 14 của Thái Lan là Pakorn khá thoải mái xuyên phá nơi cánh phải rồi tung cú dứt điểm quyết đoán mở tỷ số. Sau bàn thua, ông Miura ngay lập tức phải “đảo cánh” để Thanh Hiền sang đá cánh phải kéo Đức Huy về đá trái để ổn định lại.

Sự thay đổi vị trí cầu thủ một cách liên tục như thế này kể cả gặp những đội bóng dưới cơ cũng mang lại cho chính U23 Việt Nam khó khăn. Như trận gặp U23 Lào, việc sử dụng 3 hậu vệ và 5 tiền vệ chỉ giúp chúng ta cầm bóng tốt hơn chứ triển khai tấn công thì lại quá bế tắc.  Mỗi cầu thủ đều được khu biệt rõ ràng và nếu xoay chuyển vị trí như vậy sẽ mang tới tác hại nhiều hơn.

Chiến thuật ở đâu?

Trong các trận đấu vòng bảng, ông Miura thường xuyên sử dụng các sơ đồ chiến thuật khác nhau. Như trận gặp U23 Malaysia, ông thường xuyên chỉ đạo học trò các bài đánh biên với các cú tạt bổng của Ngọc Hải hay Đức Huy. Sang tới trận gặp Lào thì đó lại là các bài đánh trung lộ.

Việc xoay tua con người dẫn tới chiến thuật cũng phải xoay theo, lúc thì 3-5-2, 5-3-2 rồi 4-4-2. Việc xoay đội hình như này dẫn tới các cầu thủ khó định hình về chiến thuật và dẫn tới rối loạn trong việc triển khai bóng và lên bóng. Như ở trận gặp Lào chẳng hạn, khi cần bàn thắng  cũng không được, còn trận gặp Thái, phòng thủ cũng không xong.

Dù sao thì mục tiêu vào bán kết cũng đã hoàn thành, người hâm mộ đang chờ đợi, ông Miura sẽ tính bài gì cho trận bán kết với U23 Myanmar và có thể cả chung kết nữa./.

 

Theo Quang Trung/VOV.VN

Tệp đính kèm