Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, các nhà báo đã và đang góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tác giả, Nhà báo Hoài Nam, Đài TNVN tác nghiệp tại khu vực Nhà giàn DK 1- 17
Không ít nhà báo có mặt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đều cảm thấy “mắc nợ” với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi ở đó, có những câu chuyện cảm động về truyền thống giữ biển, đảo của ông cha ta.
Ở đó có những con người kiên trung bất chấp hiểm nguy, sóng gió giữ lấy một phần “máu thịt” không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Ở đó luôn có sự hiện hữu của bà con ngư dân bám biển mưu sinh bất kể giông bão.
Tháng 5 vừa qua, chúng tôi cùng đoàn công tác số 9 do Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn làm Trưởng đoàn ra thăm cán bộ, chiến sỹ và người dân ở quần đảo Trường Sa. Sau những ngày lênh đênh trên biển, đoàn đặt chân đến đảo Nam Yết.
Dưới nắng hè oi bức, đoàn công tác đến dâng hương tưởng nhớ cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo của Tổ quốc. Nhìn di ảnh của những chiến sỹ mới mười tám, đôi mươi, phóng viên Phạm Ngọc Thanh Tâm, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh bùi ngùi xúc động: “Lần đầu tiên được đặt chân ra Trường Sa và được nhìn thấy những ngôi mộ liệt sỹ còn rất trẻ, thậm chí nhỏ hơn cả mình, thấy sự hy sinh của chiến sỹ ở đây quá lớn lao. Tôi nghĩ có nhiều bạn thanh niên một lần được đặt chân đến nơi đây sẽ cảm nhận được trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước nhiều hơn”.
Hơn 1 năm kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều nhà báo vẫn không quên những ngày đối mặt với sóng gió hiểm nguy trên biển.
Ngày ấy, nhà báo Phan Thanh Hải, phóng viên Báo Lao động cùng hàng chục nhà báo khác tình nguyện ra "điểm nóng" Hoàng Sa viết tin, bài phản ánh hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Hành trang mang theo của các nhà báo lúc này chỉ 1 chiếc ba lô, phương tiện tác nghiệp và vài bộ đồ cá nhân. Với chiếc điện thoại vệ tinh, liên tiếp những ngày ở vùng biển Hoàng Sa, nhà báo Thanh Hải đã chuyển tải được những tin tức, hình ảnh sinh động tại hiện trường.
Nhà báo Thanh Hải nói: “Những ngày qua, ngư dân tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm va khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Chính điều đó đã làm cho chúng tôi xót xa và luôn suy nghĩ về vùng biển chưa một ngày bình yên của chúng ta hiện nay”.
Khi biển Đông “dậy sóng” cũng là lúc tình cảm của đồng bào, chiến sỹ và đội ngũ báo chí cả nước dành cho 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng nhiều. Nhiều đoàn công tác của các cơ quan báo chí đến với Trường Sa, mang theo những món quà từ đất liền tặng cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo.
Nhà báo Võ Xuân Hiệp, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Hậu Giang một lần đến thăm đảo, mang theo cây đàn từ vùng quê sông nước ra tặng cán bộ, chiến sỹ Nhà Giàn DK1- 17. Nhà báo Võ Xuân Hiệp cho biết, ông đã từng trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, chính những lời ca, tiếng nhạc làm vơi đi nỗi cơ cực, nhớ nhà.
Nhà báo Xuân Hiệp nói: “Tôi nghĩ rằng, đây cũng là món ăn tinh thần nhẹ nhàng, góp phần làm cho anh em đỡ nhớ nhà hơn. Và cũng là sự gửi gắm của đất liền cho hải đảo, cho những người chiến sỹ bảo vệ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của đất nước”.
Cũng như người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc, các nhà báo vẫn luôn hướng về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu. Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, các nhà báo đã và đang góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đằng sau những trang tin, bài, phóng sự về Hoàng Sa, Trường Sa là cả tấm lòng mà mỗi nhà báo gửi gắm đến mọi người./.
Theo Hoài Nam/VOV.VN