Trước tình hình nắng nóng vào những tháng cao điểm (tháng 6-7). Các tỉnh miền trung đang tăng cường tìm giải pháp chống hạn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ Hè-Thu.
Ảnh minh họa
Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các hồ chứa nước do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các hồ đập do địa phương quản lý đa số đều bị thiếu nước, dung tích đạt từ 60-70% dung tích thiết kế.
Trước tình trạng thiếu nước, khô hạn xảy ra ở mức độ nghiêm trọng trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn hán ngay từ đầu vụ sản xuất. Đối với các hồ đập do các địa phương quản lý, Sở yêu cầu chủ động kiểm tra, cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa thủy lợi, các ao đầm tự nhiên, để chủ động bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên nước cấp sinh hoạt của nhân dân; xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt cụ thể đối với từng vùng; đặc biệt chú trọng đến các vùng khó khăn (miền núi, ven biển) để phục vụ đời sống nhân dân.
Không chỉ chống hạn bằng phương pháp tưới nước (thủy lợi) cho cây trồng, các cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cũng đã đưa ra một số biện pháp chống hạn giúp bà con nông dân có vụ sản xuất hiệu quả hơn.
UBND các xã, phường cũng rà soát lại diện tích lúa ở những vùng địa hình chân ruộng cao, có nguy cơ thiếu nước chuyển đổi sang gieo trồng các giống cây trồng phù hợp, chịu hạn hoặc chuyển sang trồng màu (khoai, ngô, đậu, cỏ chăn nuôi...), kiên quyết không bỏ ruộng hoang.
Hiện các huyện phía Bắc và một số địa phương khác trong tỉnh Bình Thuận tình hình thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất đã và đang xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Hạn chế những tác động bất lợi đến đời sống của nhân dân do tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt xảy ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa bàn đang thiếu nguồn nước để có giải pháp cấp nước sinh hoạt cho dân; vận động nhân dân đào ao, khoan giếng để bổ sung nguồn nước sinh hoạt, khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước...
Tính đến ngày 9/6, tổng lượng nước của 161 hồ chứa trong tỉnh Bình Định cũng chỉ còn 285,6 triệu/577 triệu m3, đạt 49% so với dung tích thiết kế. Hiện nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hạn hán ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều diện tích sản xuất ở những vùng chân cao, vùng hưởng nước từ các hồ chứa nước nhỏ và các con suối bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chống hạn và 2 đoàn công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy các sông, suối... xác định rõ khu vực thiếu nước, khu vực có nguy cơ thiếu nước; thông tin kịp thời, chính xác tình hình hạn hán để người dân biết, nhằm chia sẻ khó khăn và cùng tham gia chống hạn.
Các địa phương trong tỉnh đã triển khai các biện pháp chống hạn, khảo sát tình hình thiếu nước tại các địa phương, xây dựng và thực hiện phương án chống hạn cho từng vùng; vận động người dân đào thêm giếng lấy nước ngầm và tăng cường năng lực cấp nước từ các công trình cấp nước đã xây dựng. Các Hợp tác xã nông thôn, tổ thủy nông huy động xã viên nạo vét kênh mương, đắp các đập bổi tạo nguồn nước tưới, sử dụng các máy bơm để tưới cho cây trồng...
Đặc biệt, tỉnh cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên chân đất lúa thiếu nước trong vụ hè-thu và vụ Mùa năm 2015. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cây trồng cạn theo mức quy định để hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo; các hộ còn lại được hỗ trợ 50%...
http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/Cac-dia-phuong-tang-cuong-chong-han-vu-HeThu/229445.vgp