Mới đây, Liberia đã bắt đầu công trình nghiên cứu kéo dài 5 năm về những hội chứng mà bệnh nhân Ebola sống sót đang phải chịu đựng.
Ảnh minh họa
Công ty Nghiên cứu về vaccine Ebola tại Liberia (PREVAIL) sẽ tiến hành nghiên cứu đối với 1.500 bệnh nhân Ebola sống sót cùng 6.000 đối tác và người thân trên toàn đất nước Tây Phi này.
Theo kế hoạch, những người tham gia công trình nghiên cứu sẽ được kiểm tra thể lực, thị giác và được lấy mẫu máu, trong khi số khác sẽ được yêu cầu cung cấp mẫu mồ hôi, nước mắt... Nhóm nghiên cứu sẽ theo sát các bệnh nhân Ebola sống sót và những mối tiếp xúc gần gũi của họ trong 5 năm, kiểm tra và theo dõi những vấn đề sức khoẻ của họ theo định kỳ 6 tháng/lần.
Theo nhà nghiên cứu Anthony Fauci thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tiến trình điều trị virus Ebola đã được biết khá rõ, nhưng vẫn còn nhiều điều phải tìm hiểu về tác động lâu dài lên sức khoẻ của bệnh này ở những bệnh nhân đang phục hồi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều bệnh nhân Ebola sống sót đang trải qua những biến chứng trong một thời gian dài sau khi được chữa chạy tại các cơ sở điều trị Ebola. Họ cho biết gặp một loạt vấn đề được cho là hội chứng "hậu Ebola", trong đó có suy giảm thị lực, thính lực.
Dịch Ebola bùng phát tại miền Nam Guinea từ tháng 12/2013, sau đó lan nhanh sang Liberia và Sierra Leone. Theo báo cáo mới nhất của WHO, số ca tử vong do nhiễm virus Ebola đến nay là hơn 11.000 người, trong đó hơn 4.800 trường hợp được ghi nhận tại Liberia. Quốc gia Tây Phi này đã tuyên bố thoát khỏi dịch Ebola vào này 9/5 vừa qua.
Nguyễn Thơ
Theo Chinhphu.vn