Các thủ tục để mua bảo hiểm y tế còn rườm rà, chính sách BHYT vẫn còn bất cập, khiến người dân chưa mặn mà tham gia.
Hơn 3.000 dịch y tế chưa được thanh toán gây thiệt thòi cho bệnh nhân.
Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1/7) năm nay có chủ đề “Chung tay thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân”.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 31/5/2015, số người tham gia bảo hiểm y tế ước khoảng 64,6 triệu người, tuy tăng 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 1,4 triệu người so với cuối năm 2014. Với tỷ lệ 71,4% dân số tham gia bảo hiểm y tế như hiện nay, để đạt được tỷ lệ 75% vào cuối năm nay là một thách thức lớn do chính sách bảo hiểm y tế vẫn còn 1 số bất cập, khiến người dân chưa mặn mà tham gia.
BHYT là chính sách an sinh xã hội, góp phần quan trọng giúp người bệnh không bị rơi vào đói nghèo khi đi khám chữa bệnh. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều bệnh nhân dù có thẻ BHYT nhưng khi điều trị bệnh vẫn phải chi trả phí lớn, thậm chí khánh kiệt tài sản.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng vừa nêu là do hiện nay còn hàng nghìn danh mục dịch vụ, kỹ thuật y tế vẫn chưa được Bộ Y tế hoàn thành thủ tục để BHXH Việt Nam có cơ sở để chi trả cho người dân.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, bất cập này vừa hạn chế nguồn tài chính của bệnh viện, vừa không đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Ông Lương Sơn cho biết: “Một thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay còn khoảng hơn 3.000 dịch vụ kỹ thuật nữa mà cơ quan BHXH chưa đủ điều kiện để thanh toán. Ngoài việc ảnh hưởng đến cơ sở khám chữa bệnh về nguồn tài chính, ảnh hưởng rất nhiều đến người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh. Hơn 3.000 dịch vụ kỹ thuật này có thể chưa được phê duyệt cho phép thực hiện, có thể chưa được phê duyệt giá, nhưng cũng có thể được phê duyệt danh mục nhưng chưa được phê duyệt giá và cũng có thể được phê duyệt giá nhưng chưa được phê duyệt danh mục. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn đang cung cấp cho người bệnh và thu tiền của người bệnh”.
Một bất cập khác bắt nguồn từ việc cơ quan BHXH quy định mức trần được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả hàng năm cho từng cơ sở y tế. Theo đó, mỗi năm, từng bệnh viện được Quỹ bảo hiểm y tế tạm ứng mức chi trả dựa vào số người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của năm trước.
Nếu bội chi, bệnh viện sẽ phải mất thời gian giải trình và đưa ra những chứng từ phù hợp để xin kinh phí bổ sung. Mặt khác, BHXH Việt Nam còn quy định, nếu bệnh viện tuyến tỉnh chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương thì số tiền mà Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân sẽ được tính vào mức trần được chi trả cho bệnh viện tỉnh năm đó.
Trong khi đó, mức chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ kỹ thuật ở tuyến trên thường cao hơn tuyến dưới. Do vậy, lo vượt trần và ảnh hưởng đến nguồn thu hàng năm nên nhiều bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Những bất cập vừa nêu, có nguyên nhân là những văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành chưa đồng bộ do gấp gáp hoàn thành. Bên cạnh đó là do sự phối hợp giữa bên bán dịch vụ là bệnh viện với bên trả tiền là cơ quan bảo hiểm xã hội. Bệnh nhân muốn dịch vụ tốt, bên bán muốn dịch vụ cao nhưng bên trả tiền thì càng tiết kiệm càng tốt”.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ Y tế tại 13 tỉnh, thành phố thời gian gần đây cho thấy, hệ thống đại lý bán thẻ bảo hiểm y tế của xã và đại lý bán thẻ bảo hiểm y tế của hệ thống bưu điện đều không ổn định, không chuyên nghiệp, có nơi cán bộ đại lý vừa được tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ xong thì tháng sau đã xin thôi việc. Trong khi đó, nhiều người dân, kể cả cán bộ xã, phường cũng chưa biết mua thẻ bảo hiểm y tế ở đâu; đối tượng nào phải tham gia theo hộ gia đình; mức đóng cụ thể của từng thành viên trong gia đình là bao nhiêu. Ngoài ra, còn không ít những rườm rà xung quanh việc chi trả bảo hiểm y tế cho các dịch vụ y tế xã hội hóa tại các bệnh viện. Điều này đòi hỏi BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tích cực hơn nữa trong việc phối hợp giải quyết những vướng mắc liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Có như vậy mới thu hút được ngày càng nhiều người dân tham gia bảo hiểm y tế và đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020./.
Theo Văn Hải/VOV.VN - Trung tâm Tin