Giới quan sát cho rằng, trong tương lai, các cuộc xung đột vũ trang sẽ xảy ra nhanh hơn với năng lực quân sự ngày càng hiện đại và quy mô.
Lực lượng vũ trang Ukraine đang chuẩn bị vũ khí ở phái bắc Donetsk, Ukraine (ảnh: Reuters)
Cuộc khủng hoảng Ukraine, tranh chấp lãnh thổ trên các vùng biển châu Á đang đẩy thế giới đến trước nguy cơ xung đột vũ trang quy mô lớn gần hơn bao giờ hết kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Thực tế này được phản ánh qua quan điểm chiến lược quân sự quốc gia vừa được công bố của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong Chiến lược quân sự quốc gia 2015 được Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey công bố hôm 1/7, Mỹ công khai cảnh báo về một cuộc chiến với một cường quốc khác, mặc dù khả năng thấp nhưng ngày càng rõ và hậu quả của nó sẽ cực kỳ nghiêm trọng.
Theo tướng Dempsey, môi trường an ninh toàn cầu hiện nay là khó dự đoán nhất trong bối cảnh vị thế toàn cầu của Mỹ đang bị đe dọa. Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ tuyên bố các hành động quân sự của Nga đang trực tiếp làm suy yếu an ninh khu vực. Đây cũng là điểm mới khi trước đó, trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2011 chỉ nhắc rất ít về Nga.
Chiến lược quân sự quốc gia mới của Mỹ được công bố chỉ vài ngày sau thông báo nước này sẽ triển khai nhiều xe tăng, xe thiết giáp và khí tài quân sự tại các nước Đông Âu giáp với Nga nhằm tăng cường sức mạnh cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Liên quan đến động thái này, Bộ trưởng Quốc phòng Sven Mikser cho rằng: “Chúng tôi có lý do để tin rằng Nga đang sử dụng khu vực Baltic như là một trong những khu vực nhạy cảm nhất của NATO, khu vực mà các biện pháp và cam kết của NATO với các đồng minh có thể được thử nghiệm”.
Trong khi đó, Mỹ cũng cho rằng tại châu Á, các hành động bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng khu vực. Không chỉ Mỹ, ngay trong báo cáo thường niên công bố hôm nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về các hành động trên biển của Trung Quốc thời gian qua.
Theo Nhật Bản, các hành động này của Trung Quốc là nhằm thực hiện các tuyên bố đơn phương không nhượng bộ và làm dấy lên quan ngại về các hành động tương lai. Trước đó, Bắc Kinh thẳng thừng tuyên bố nguyên nhân các vấn đề giữa hai nước xuất phát từ việc nhiều người Nhật Bản không thừa nhận sự phát triển của Trung Quốc như một cường quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng: “Sự phát triển của Trung Quốc đã mang lại cho Nhật Bản nhiều lợi ích to lớn. Nhưng về mặt tinh thần, tôi không nghĩ rằng phía Nhật Bản chuẩn bị đầy đủ cho việc này. Tôi nghĩ rằng đây chính là nguyên nhân sâu xa của nhiều bất đồng hiện nay giữa hai nước”.
Trong động thái mới nhất, Trung Quốc hôm qua thông qua Luật an ninh quốc gia mới. Theo giới phân tích, với bộ luật mới này, quân đội Trung Quốc sẽ được phép mở rộng sự hiện diện của mình ngoài biển khơi. Bên cạnh điều khoản nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bảo vệ nguồn tài nguyên chiến lược, nguồn dự trữ năng lượng cũng như các tuyến đường vận chuyển trên biển và trên đất liền để bảo vệ sự phát triển kinh tế, xã hội, bộ luật trên cũng được cho là cần thiết để nước này tuyên bố chiến tranh với quốc gia khác.
Giới quan sát cho rằng, trong tương lai, các cuộc xung đột sẽ xảy ra nhanh hơn với năng lực quân sự ngày càng hiện đại và quy mô. Thực tế hiện nay cho thấy những thách thức đang ngày càng gia tăng và biến động khó lường, chính vì thế nguy cơ đối mặt với xung đột vũ trang quy mô lớn của thế giới đang ngày càng hiện hữu và trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết./.
Theo Vũ Hợp/VOV.VN- Trung tâm Tin