Cập nhật: 09/07/2015 09:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau khi Việt Nam nhận tàu ngầm Kilo thứ 4, chuyên gia Nga đã bình luận về các loại vũ khí giúp xoay chuyển cán cân quân sự trên Biển Đông.

Tàu ngầm là phương tiện tác chiến quan trọng đối với hải quân các nước, trong đó có Việt Nam

Việt Nam có thể thành lập 2 nhóm tác chiến ngầm

Vừa qua, chiếc tàu ngầm Varsavyanka thứ tư mà Việt Nam mua của Nga (NATO phân loại là Kilo) đã được đưa về cảng Cam Ranh. Ba tàu được chuyển giao trước đó, được đặt tên là "Hà Nội", "Hồ Chí Minh" và "Hải Phòng" đã được trang bị cho Hải quân Việt Nam.

Theo hợp đồng, việc cung cấp toàn bộ sáu chiếc tàu ngầm cho Việt Nam dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2016. Khi đó, ít nhất Việt Nam cũng đã xây dựng được 2 nhóm tác chiến tàu ngầm, thay nhau đảm nhận nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu trên biển.

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cho biết: Đối với Việt Nam, việc thành lập hạm đội tàu ngầm là nhiệm vụ rất quan trọng. Không chỉ với Việt Nam mà bất kỳ mọi quốc gia giáp biển nếu không sở hữu hạm đội tàu ngầm đều có nguy cơ đe đối với an ninh.

Tàu ngầm có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ mà hạm đội trên biển không thể giải quyết được. Tàu nổi dễ dàng bị phát hiện từ trên không bởi máy bay có hoặc không người lái, nhưng tàu ngầm chỉ cần hoạt động ở độ sâu 50 mét gần như không thể bị phát hiện bởi phương tiện quan sát quang học.

Tàu Varsavyanka dài 74, rộng 10 mét, thủy thủ đoàn 52 người, có thể lặn tới độ sâu 300 mét và di chuyển với tốc độ 20 hải lý, tức 37 km/h, với phạm vi hành trình gần 10.000km và thời gian lặn liên tục 1 tháng rưỡi, nó sẽ góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Khác với các tàu tương tự khác trên thế giới, tàu Varsavyanka có độ ồn và độ rung chấn rất nhỏ, khó bị phát hiện bằng các phương tiện dò tìm âm thanh dưới nước. Đó là lý do để các chuyên gia phương Tây gọi tàu Kilo của Nga là "hố đen trong đại dương” (Black Hole).

Tàu ngầm loại này được sử dụng để chống tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, để phòng thủ, bảo vệ căn cứ hải quân, các cơ sở hạ tầng trên bờ và các cơ sở dưới biển, hoặc tấn công các điểm tập kết binh lực tạm thời, căn cứ quân sự cố định, phá vỡ ý đồ tấn công phủ đầu của đối phương.

Các thủy thủ đoàn Việt Nam đã làm quen với tàu ngầm lần đầu tiên tại nhà máy ở St. Petersburg. Nga đã tổ chức cho thủy thủ Việt Nam các buổi thực hành trên bờ và 5 chuyến ra khơi, làm quen với con tàu trên đại dương thực thụ, bởi sau này, các chuyến hoạt động như vậy có thể kéo dài rất lâu.

Việc huấn luyện được tiếp tục ở Cam Ranh, nơi các chuyên gia Nga thành lập một trung tâm đào tạo có các giáo cụ trực quan tương ứng, cho phép mô phỏng bất kỳ trường hợp nào khi tàu hoạt động, kể cả trường hợp khẩn cấp mà tàu ngầm có thể gặp trong suốt chuyến hải hành.

Tàu ngầm Kilo giúp Việt Nam tạo ra các “khu vực cấm”

Theo chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin, một hạm đội hải quân được coi là thực sự hùng mạnh chỉ khi sở hữu cả tàu nổi và tầu ngầm. Sự hiện diện của hạm đội tàu ngầm là yếu tố quan trọng, khiến không một nước nào có thể dễ dàng uy hiếp đến chủ quyền an ninh biển đảo của Việt Nam.

Ông Litovkin khẳng định, Trung Quốc cũng có loại tàu tương tự nhưng tính năng kém hơn tàu ngầm của Việt Nam, cả về độ ồn, độ rung chấn, điều kiện sinh hoạt của thủy thủ. Một lợi thế lớn của tàu ngầm mà Nga cung cấp cho Việt Nam là tàu còn được trang bị nhiều hệ thống tên lửa “Club” hiện đại nhất.

Tất cả các tàu ngầm Việt Nam đều được trang bị tên lửa hành trình Club-S, phiên bản tấn công mặt đất 3M-14E có khả năng tấn công xa tới 280km và phiên bản chống hạm 3M-54E có tầm phóng 220km, thậm chí là phiên bản 3M-54E1 có tầm phóng 300km.

Loại tên lửa này bay với tốc độ cận âm ở pha đầu. Đến khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn sẽ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc gấp ba lần tốc độ của âm thanh, tức lớn hơn 1km/s. Đến gần mục tiêu, tên lửa này bay ở độ cao chỉ 5-10m, khiến cho radar và hầu như các hệ thống chống tên lửa của đối phương không thể phát hiện.

Tên lửa 3M-54E1 có tầm bắn 300km, ngoài tầm tấn công của các chiến hạm đích, nhưng điểm quan trọng nhất của nó là đầu đạn nặng gần gấp đôi (400kg), có khả năng tấn công phá hủy tuần dương hạm hoặc khu trục hạm hàng vạn tấn, thậm chí là đánh chìm hàng không mẫu hạm.

Theo baodatviet.vn      

Tệp đính kèm