Trong khi ngành khảo cổ học biển đảo của các nước láng giềng phát triển khá mạnh, thì chuyên ngành này tại Việt Nam vẫn ì ạch suốt 20 năm qua, dù tiềm năng của chúng ta là vô tận, với gần một triệu km2 mặt biển đang sở hữu. Rõ ràng, đây là điều đáng lo ngại, nếu xét tới bối cảnh vấn đề chủ quyền biển đảo đang ngày càng trở nên vô cùng quan trọng như hiện nay.
Tàu chở cổ vật tại Bình Châu (Quảng Ngãi) được trục vớt năm 2013.
Ảnh: Nguyễn Dân
“Tụt hậu” nửa thế kỷ
Dù có những tên gọi khác nhau, ngành khảo cổ học biển đảo trên thế giới đã xuất hiện từ sớm, như một bộ phận quan trọng của khảo cổ học. Vắn tắt, đó là bộ môn nghiên cứu tất cả các dấu tích ghi lại đời sống, hoạt động, cách ứng xử... của con người tại các khu vực biển đảo. Tùy theo địa hình, chuyên ngành này có thể tạm được chia thành các lĩnh vực khai quật trên cạn, ngập nước và dưới nước.
Ở Việt Nam, khảo cổ học biển đảo đã bắt đầu từ năm 1993 với việc khai quật một số điểm đảo thuộc khu vực Trường Sa. Và đến thời điểm hiện tại, khá nhiều di vật có niên đại thuộc các thời Lê, Nguyễn (thậm chí cả Lý, Trần) đã được tìm thấy như những bằng chứng tối quan trọng để khẳng định chủ quyền của người Việt trên những vị trí này. Nhưng, nếu chiếu theo lý thuyết, đây vẫn là những hoạt động chỉ diễn ra trên... phần đảo nổi, tức là mang dáng dấp của khảo cổ học “khô” như trong đất liền. Còn lại, với phần địa hình ngập nước, hoặc khó hơn là sâu xuống lòng biển, các hoạt động khảo cổ của Việt Nam diễn ra hết sức hạn chế.
Chính xác, phải tới năm 2013 vừa qua, lĩnh vực này mới có được bước khởi động đầu tiên khi thành lập Phòng khảo cổ dưới nước (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam). Thế nhưng, trong hai năm qua, phòng chuyên môn này vẫn chưa được trang bị bất kỳ thiết bị gì, cũng như không có bất cứ nguồn kinh phí thường niên nào để tiến hành các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước.
Để so sánh với thế giới về phương diện này, các chuyên gia khảo cổ từng đưa ra một ước lượng đáng buồn: Việt Nam đang đi chậm hơn khoảng 50 năm so với các nước phát triển và 20 năm so với các nước trong khu vực. Đơn cử, tại Thái-lan, Chính phủ nước này vừa thông qua ngân sách gần 900.000 USD để đầu tư cho một Trung tâm khảo cổ học dưới nước tại Chanthaburi. Tại Singapore, những con tàu cổ còn nguyên vẹn đã và đang được mua lại từ Indonesia và các nước khác để trưng bày trong hệ thống bảo tàng biển.
Đặc biệt, với những tham vọng lớn của mình, Trung Quốc đã sở hữu đội ngũ tới 710 chuyên gia khảo cổ biển đảo có khả năng lặn, đã thành lập Bảo tàng Con đường Tơ lụa trên biển tại Quảng Đông, Bảo tàng Biển tại Thượng Hải và xây dựng nhiều cơ quan nghiên cứu đặc thù ở 10 tỉnh ven biển.
Như phân tích của nhiều học giả tại Hội thảo “Khảo cổ học biển đảo Việt Nam: tiềm năng và triển vọng” vào ngày 7-5 vừa qua, việc đẩy mạnh nghiên cứu khảo cổ biển đảo của các nước châu Á không chỉ đơn thuần vì mục đích học thuật. Xa hơn, bằng việc liên tục thiết lập hệ thống bảo tàng, chứng tích về quá trình chinh phục biển, các quốc gia này cũng hướng tới việc khơi dậy ý thức tự tôn về biển đảo của dân cư bản địa, đồng thời từng bước đưa ra với thế giới các lập luận về chủ quyền biển đảo của mình.
“Chúng ta nói rất nhiều tới cái đích phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong thế kỷ 21. Nhưng, một chiến lược kinh tế biển chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu đứng vững trên cái nền bảo tồn văn hóa biển truyền thống” - TS Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, nhận xét.
Để tiềm năng được khai thác hiệu quả
Với gần một triệu km2 mặt biển, cùng bề dày truyền thống về văn hóa biển trong lịch sử, có thể khẳng định tiềm năng của khảo cổ biển đảo Việt Nam là quá lớn. Nhưng, cũng như các quốc gia đang phát triển, vấn đề của khai quật biển đảo nằm ở những đòi hỏi đầu tư đặc biệt về kỹ thuật, phương tiện và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. Điển hình, như tính toán của TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học Việt Nam), trung bình tỷ lệ chi phí cho một cuộc khai quật dưới nước thường gấp sáu lần so với trên đất liền.
“Trong thời điểm vấn đề chủ quyền biển đảo đang được quan tâm, tôi tin Nhà nước sẽ sớm có sự hỗ trợ hữu hiệu với lĩnh vực này. Nhưng để phát triển lâu dài, mọi thứ không thể chỉ trông chờ mãi vào việc xin kinh phí” - một học giả chia sẻ thêm. Thế nhưng, khi chưa có những cơ chế đặc biệt để huy động các nguồn lực, việc kêu gọi thu hút kinh phí xã hội hóa cho khảo cổ biển đảo chỉ là vô vọng nếu phía đầu tư không nhìn thấy nguồn lợi trực tiếp.
Đơn cử, kể từ năm 1990 tới nay, ngành khảo cổ Việt Nam cũng đã liên kết với các đơn vị tư nhân hoặc quốc tế tiến hành trục vớt sáu con tàu đắm chứa cổ vật tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Vũng Tàu. Trong những đợt trục vớt này, gần như toàn bộ kinh phí, phương tiện, nhân sự... tham gia đều đến từ đối tác, trong khi ngành khảo cổ chỉ đóng vai trò đại diện Nhà nước để giám sát và nhận từ 30% đến 40% cổ vật thu về. “Xé lẻ, cắt nát cổ vật theo cách khai quật thương mại như vậy, chúng ta đang để mất một lượng lớn tài sản quốc gia” - TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, than thở.
Thật ra, ngoài những khoản đầu tư về công nghệ và kỹ thuật, vấn đề tạo nguồn nhân lực cho khảo cổ biển đảo cũng được coi là giải pháp cơ bản và lâu dài để chuyên ngành này có sự phát triển ổn định (mà trước hết là giải quyết được việc phải thuê các chuyên gia nước ngoài). Xa hơn, theo TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh), nếu đủ năng lực chuyên môn, việc tìm kiếm nguồn lực quốc tế để liên kết nghiên cứu lại đang mở ra với Việt Nam, trong bối cảnh Biển Đông đang tồn tại những quan điểm khác nhau về chủ quyền và lịch sử.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, các kiến thức liên quan tới khảo cổ biển đảo mới chỉ đang được... đề xuất đưa vào giảng dạy tại khoa Sử, Đại học Quốc gia Hà Nội. Và nói như TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam), vấn đề đào tạo cũng là câu chuyện chung của toàn ngành khảo cổ, chứ không riêng gì “mảng biển đảo”.
“Toàn quốc chỉ có ba nơi đào tạo về chuyên ngành khảo cổ học tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế. Chọn được người đủ trình độ để theo nghề đã khó chứ chưa nói tới vấn đề tiếp tục đào tạo chuyên sâu về khảo cổ biển đảo” - TS Đông nói. “Muốn giải quyết triệt để, chúng ta chỉ có cách tuyển chọn để đầu tư nhân lực ngay từ trên ghế nhà trường. Và, hãy chấp nhận một thực tế: Tích cực đầu tư từ bây giờ, ngành khảo cổ biển đảo cũng phải mất chục năm nữa để nhận về những trái ngọt đầu tiên”.
Chính vì tình trạng ngành khảo cổ biển đảo chưa phát triển và thiếu quy hoạch, Việt Nam cũng đã mất đi rất nhiều di vật quý giá. Theo TS Phạm Quốc Quân, giới nghiên cứu đã phát hiện khá nhiều trường hợp những con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam bị ngư dân phá hủy bằng đánh mìn, đào phá không khoa học và chỉ còn lại dấu tích. Riêng các trường hợp trục vớt tàu cổ được triển khai từ trước tới nay cũng đều mang tính chất “chữa cháy”, sau khi ngư dân phát hiện và khai thác trái phép một phần cổ vật.
ĐÔNG MAI
Theo nhandan.com.vn