Cập nhật: 27/07/2015 09:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đang xuất hiện nhiều phỏng đoán không rõ ràng về bản chất quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập trong tương lai.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có chuyến thăm Ai Cập. (ảnh: State Deparment)

Hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Cairo để dự vòng đàm phán chiến lược 2 nước, sau khi Nga và Ai Cập tập trận chung ở Địa Trung Hải hồi tháng 6.

Với nhiều người, sự kiện này được cho là bước cải thiện quan trọng trong mối quan hệ nhiều sóng gió kéo dài hơn 4 năm qua giữa hai nước từng một thời là đồng minh chiến lược của nhau. Tuy nhiên, trong cách nhìn nhận của giới phân tích, tương lai quan hệ giữa hai nước, vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa đạt được thoả thuận hạt nhân lịch sử với Iran và đang dành sự quan tâm lớn cho nhiều vấn đề nóng tại khu vực như cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cuộc nội chiến tại Syria, bất ổn tại Iraq, chiến sự leo thang tại Yemen, khủng hoảng tại Libya, giới phân tích cho rằng, nội dung chính của lần đối thoại chiến lược Mỹ - Ai Cập kéo dài hai ngày này, nhiều khả năng sẽ tập trung vào các “vấn đề chiến lược khu vực”, thay vì thảo luận quan hệ song phương.

Hiện tại, đang xuất hiện nhiều phỏng đoán không rõ ràng về bản chất quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập trong tương lai. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, Ai Cập không còn là đồng minh chiến lược đặc biệt của Mỹ tại khu vực như giai đoạn 2011 trở về trước. Cụ thể hơn, nhà nghiên cứu các vấn đề Arab tại Trung tâm nghiên cứu Brooklings về Chính sách Trung đông có trụ sở tại Washinhton (Mỹ) Hellyer khẳng định, Ai Cập không còn nằm trong top (nhóm) ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Quan hệ đồng minh chiến lược một thời giữa Mỹ và Ai Cập đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Tổng thống thân Mỹ Hosni Mubarak bị lật đổ đầu năm 2011. Đến tháng 10/2013, Mỹ đã quyết định đình chỉ các khoản viện trợ hàng năm lên tới hơn 1 tỷ USD cho Ai Cập nhằm phản đối việc lật đổ Tổng thống của phe Hồi giáo Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013.

Đáp lại hành động của Mỹ, Ai Cập đã từ chối gia nhập liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu, dù có tới hơn 60 nước đã quyết định tham gia. Bên cạnh đó, một số nguồn tin báo chí Ai Cập còn liên tiếp đánh tiếng về việc nước này đang tìm cách xây dựng quan hệ gần gũi với Nga nhằm thay thế vai trò của Mỹ.

Mãi đến tháng 3 năm nay, Chính quyền Mỹ mới bắt đầu nối lại viện trợ cho Ai Cập, dù vẫn bảo lưu những chỉ trích và sự quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền tại quốc gia Bắc Phi này. Tiếp đó, Mỹ đã bàn giao các máy bay chiến đấu, tàu chiến mang tên lửa cùng cam kết sẽ chuyển giao hệ thống giám sát biên giới hiện đại cho Ai Cập. Và hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ Kerry tới Cairo để tiến hành đối thoại chiến lược với Ai Cập.

Tuy nhiên, bất chấp các bước cải thiện quan hệ liên tiếp này, giới phân tích cho rằng, quan hệ Mỹ - Ai Cập khó mà có thể được khôi phục như giai đoạn trước năm 2011. Ai Cập đã từng giữ vị trí trong nhóm 5 nước ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, song hôm nay, quốc gia Bắc Phi này thậm chí còn không thể có được vị trí trong top 10 nước ưu tiên của Mỹ./.

Theo Bá Thi/VOV.VN - Cairo

Tệp đính kèm