Khoảng 100 bức ảnh chụp các ngôi đình làng Việt ở nhiều địa phương trong cả nước sẽ được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm “Đình làng Việt: Những điều còn - mất.” Chương trình diễn ra từ ngày 8-22/8 tại Heritage Space (tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội).
Triển lãm sẽ trưng bày những bức ảnh chụp đình làng Việt của
những người nặng lòng với di sản văn hóa. (Ảnh: BTC)
Nội dung những bức ảnh trưng bày tập trung vào hai vấn đề chính: “Tinh hoa đình làng Việt” và “Biến đổi của đình làng Việt.”
Cụ thể, nhóm ảnh “Tinh hoa đình làng Việt” hướng đến việc tôn vinh những đặc trưng kiến trúc, điêu khắc của đình làng Việt cũng như vẻ đẹp của nhiều ngôi đình nổi tiếng như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Hà Nội), đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh), đình Hương Canh (Vĩnh Phúc)...
Sự thay đổi, biến dạng những giá trị truyền thống (do trùng tu sai) cũng như sự xuống cấp và nguy cơ biến mất của những ngôi đình cổ sẽ được phản ánh qua loạt ảnh có chủ đề “Biến đổi của đình làng Việt.”
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động diễn xướng dân gian (biểu diễn chèo, ca trù, quan họ, hát xoan…) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm “Đình làng Việt: Những điều còn - mất” với sự tham gia của phường hát xoan xã Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ), Hội những người yêu thích chèo Hà Nội…
“Trong những năm qua, UNESCO đã vinh danh nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam (hát xoan, ca trù, quan họ...) là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nhưng, ít người biết rằng, chính đình làng la cái nôi nuôi dưỡng các hình thức diễn xướng đó trong suốt nhiều thế kỷ,” ông Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) cho biết.
Triển lãm “Đình làng Việt: Những điều còn - mất” được tổ chức nhằm góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị di sản văn hóa đặc biệt này. “Thông qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng những di tích đang bị xuống cấp sẽ được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trùng tu, tôn tạo,” đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Chương trình do nhóm Đình Làng Việt tổ chức. Đây là một tổ chức cộng đồng bao gồm nhiều chuyên gia văn hóa (nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Bình...) và những người yêu mến di sản văn hóa, mỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Từ 1/9/2014, Đình Làng Việt bắt đầu hoạt động mở trên mạng xã hội Facebook và nhanh chóng thu hút sự tham gia đông đảo của những người yêu mến văn hóa truyền thống. Đến nay, số lượng thành viên của Đình Làng Việt đã lên tới hơn 3.990 người thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau./.
Theo AN NGỌC (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/cau-chuyen-di-san-dinh-lang-viet-nhung-dieu-conmat/334819.vnp