Thừa phát lại đã có những kết quả tích cực và có thể khẳng định mô hình này là cần thiết cho xã hội, cho hoạt động tư pháp.
Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội phát biểu.
Mới đây, tại cuộc họp thông tin về tình hình triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội, bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, hiện nay TP đã có 8 Văn phòng đi vào hoạt động ổn định.
“Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài nhưng các văn phòng Thừa phát lại đã có những kết quả tích cực ban đầu và có thể khẳng định mô hình Thừa phát lại là cần thiết cho xã hội, cho hoạt động tư pháp”, bà Hương cho biết.
Cụ thể, qua khoảng 16 tháng hoạt động, các Văn phòng đã thực hiện tống đạt giấy tờ được 34.695 văn bản, trong đó cho các Tòa án được 25.806 văn bản, các cơ quan thi hành án được 8.889 văn bản với tổng chi phí thu được là 2,6 tỷ đồng; Tổng số vi bằng đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp Hà Nội là hơn 1.700 vi bằng, tổng doanh thu hơn 4,2 tỷ đồng; Xác minh điều kiện thi hành án hoàn thành 34 vụ việc, số phí thu được là hơn 116 triệu đồng; Ký hợp đồng thi hành án 15 vụ việc, trong đó đã thi hành xong 3 vụ việc với giá trị thi hành án là 9,1 tỷ đồng và chi phí thu được hơn 373 triệu đồng.
Tuy nhiên, chế định Thừa phát lại là dịch vụ thiết thực với người dân nhưng tên gọi như hiện nay còn khó hiểu đối với đa số người dân.
Theo bà Hồ Xuân Hương, Quốc hội cần sớm ban hành Luật về Thừa phát lại với tên gọi thuần Việt, phổ thông và bao hàm được những nội dung công việc mà Thừa phát lại thực hiện để triển khai rộng rãi chế định này trên địa bàn cả nước./.
Theo Đỗ Hưng/VOV.VN