Ở một số điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) dù đã phủ sóng điện thoại nhưng do thời tiết và nhiều yếu tố khác, những người giữ biển vẫn chưa thể thoải mái sử dụng điện thoại cho các nhu cầu tinh thần. Vậy nên, những lá thư vượt biển vào đất liền (hay ngược lại) hết sức ý nghĩa. Trong những ngày tháng bảy, những lá thư đặc biệt của những người lính, của người thân liệt sĩ, thương binh hay của cả những người từ Trường Sa gửi về, khiến đất liền như gần lại!
Bộ đội trên đảo Trường Sa lớn đọc thư nhà dưới gốc cây bàng vuông.
Ảnh: TRỌNG THIẾT
Tàu KN781 - con tàu hiện đại nhất dành cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam lừng lững đạp sóng tiến ra Biển Ðông. Mặc dù đã có thông báo nhưng đoàn công tác (số 2, năm 2015) của TP Hồ Chí Minh vẫn khá bất ngờ vì sóng điện thoại các mạng di động đều tắt ngóm khi tàu ra khỏi phao số không (Bà Rịa - Vũng Tàu) chừng vài hải lý. Trên tàu cả tuần lễ, các thành viên đoàn đều cơ bản nắm được hoàn cảnh, tâm lý, tình cảm của từng người đồng hành. Anh Nguyễn Anh Ðức, lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op, tâm sự: "Ba mình bị bệnh K nặng quá. Ước muốn của ba là một lần đến Trường Sa, tìm lại người em ruột của bạn chiến đấu đã hy sinh. Và mình đã tìm được chú, chú đang đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Lớn. Bây giờ mình mới biết ba cũng có lúc khóc thành tiếng khi nói chuyện qua cuộc gọi ngắt quãng với chú. Sóng điện thoại chưa cho phép...". Suốt cả đêm trên boong tàu KN781, Ðức đã viết thư gửi ba, thư anh có đoạn: Hai chú cháu nhận ra và ôm chầm lấy nhau thật chặt. Con cố gắng gọi điện thoại cho ba, phải rất khó khăn mới kết nối được để ba nói chuyện với chú. Thế mà được vài câu chú đã buông điện thoại, chú nói ba khóc, con cũng thấy chú khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc. Con đã và đang có được sự hun đúc để mạnh mẽ hơn, để làm việc tốt hơn, để sống đẹp và có những dự án tại Biển Ðông và Trường Sa. Ðó chính là ước mơ lớn mà Saigon Co.op chúng con đang nỗ lực biến thành hiện thực. Con cũng biết rằng những kỷ vật Trường Sa mang về, những niềm tin trong lá thư này sẽ là liều thuốc quan trọng để ba chiến thắng bệnh tật.
Ðức vẫn là người hạnh phúc khi anh còn ba để gửi thư. Với vợ con liệt sĩ Nguyễn Văn An (quê Ninh Bình, hy sinh sau sự cố sập nhà giàn DK16) thì cơ hội viết - nhận thư gửi từ Trường Sa đã không còn. Ðến thăm nhà giàn, hầu hết thành viên đoàn công tác đều xúc động trước bài thơ "Hóa sóng" của nhà thơ Trần Mai Hường. Nhà thơ tâm tình: "Người vợ anh An lúc đó còn rất trẻ, ngày ấy liên lạc chưa dễ như bây giờ, chị không hề biết tin chồng mất, có thể mãi sau này mới biết, nỗi đau này ai đau bằng chị. Giọt máu của anh mới hai tháng tuổi đang nằm trên tay chị. Hình ảnh người vợ này luôn ám ảnh mình. Và hình như anh An rất linh thiêng, anh thôi thúc mình và trong một đêm mình đã vùng dậy viết, vừa viết vừa khóc. Lúc viết xong, mình như sụp xuống". Nhà thơ Trần Mai Hường đã viết - thay lời liệt sĩ An - gởi cho vợ con anh: Chưa bao giờ em kể ai nghe/Về những đêm em ngỡ mình hóa sóng/Quyện chặt vào mơ hồ tiếng vọng/Tìm anh/Anh đây rồi/Dưới ngần ngật biển xanh/Ðôi mắt bao dung/Nụ cười ấm sáng/Bộ quân phục hải quân tỏa rạng/Giữa trùng trùng san hô/Anh ôm em vào lòng như những ngày xưa/Ánh mắt bờ môi nói lời của lửa/Biển cuốn khúc phiêu linh cuồng nhiệt/Trăng đầm đìa chiêm bao/Như chưa từng có trận bão khốc liệt năm nào/Nuốt gọn nhà giàn vào lòng đại dương sâu thẳm/"Vĩnh biệt đất liền chúng tôi đi nhé-Vĩnh biệt em và con nữa, con yêu..."/Em lại vui và tin chắc một điều/Anh sẽ trở về như lời đã hứa/Giữa đắm say tiếng thì thầm nho nhỏ/"Hãy chờ anh, anh sẽ trở về"/Chưa bao giờ em kể ai nghe/Về những đêm em ngỡ mình hóa sóng...
Bưu điện Văn hóa Trường Sa đi vào hoạt động từ tháng 4-2014, những cánh thư trao đổi, sẻ chia tình cảm giữa những chiến sĩ Trường Sa với người thân ở đất liền đã thường xuyên hơn. Theo Chuẩn Ðô đốc Mai Tiến Tuyên, Chính ủy Vùng 2 Hải quân, định kỳ khoảng ba tháng, tàu từ đất liền sẽ mang những cánh thư vượt biển ra đảo và vận chuyển thư từ các điểm đảo vào lại đất liền. Ðã là một vị tướng, ông dành cảm xúc rất thật của mình cho việc thư từ giữa Trường Sa với đất liền. Kể chuyện với nhau trên biển đêm, ông đặc biệt xúc động trước bức thư của một cháu gái gửi ba là chiến sĩ hải quân ở Trường Sa: "Con cầm bút viết lá thư gửi tới ba. Dẫu biết rằng khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa xa lắm, nhưng con tin, ở nơi ấy, ba sẽ cảm nhận được tình cảm sâu sắc của cô con gái yêu. Con nhớ ba thật nhiều! Ba biết không, mỗi lần nhớ ba, con lại ngắm nhìn con ốc biển và chiếc đàn guitar ba tặng. Ðặt con ốc bên tai, không chỉ nghe tiếng sóng biển rì rào mà con còn nghe cả giọng nói ấm áp của ba nữa. Ngày ba đi xa, ba mới chỉ kịp dạy con những nốt nhạc đầu tiên, thế mà bây giờ con đã đàn được khá nhiều ca khúc rồi đó. Âm nhạc quả là kỳ diệu, con thấy sự bình yên trong tâm hồn, thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao, thấy thêm yêu quê hương, đất nước. Chúng con sẽ nhờ các cô, chú bưu tá chuyển đĩa nhạc, những lá thư đến đảo xa. Khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa đã thật gần khi có những cánh tem thư bưu chính nối nhịp yêu thương".
Còn Chuẩn Ðô đốc Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân lại luôn nhắc nhớ về trường hợp liệt sĩ Võ Ðình Tuấn (quê Khánh Hòa, hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho Trường Sa). Bức thư cuối cùng anh Tuấn gửi về chan chứa nhớ thương, trăn trở với từng thành viên gia đình mình. Những lời cuối cùng của anh:
"Ba má ơi. Thời gian con đi đến nay ba má sức khỏe ra sao? Gia đình mình rẫy đã làm gì chưa? Ruộng mình thu hoạch chưa? Có khả năng vượt khoán không hả má! Chắc ở nhà công việc đồng áng dạo này má khổ lắm, ở đây con vẫn hiểu rõ nhưng không làm gì cho má được. Con chỉ xin trời phù hộ ba má sức khỏe dồi dào để làm ăn sinh sống và nuôi hai đứa em...
Ba má ơi, lá thư này gửi về quê hương, con không có gì hơn chỉ chúc ba má, bác Năm, bác Tám, các chú, các cô trong gia tộc mình vạn sự bình an, sức khỏe tốt, làm ăn có triển vọng là con mừng lắm nhé...!".
Chúng tôi theo Ðoàn công tác của TP Hồ Chí Minh do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu, dâng hương tại các điểm đảo, trước các mộ liệt sĩ. Trước biển Trường Sa bình yên xanh ngần ngật, chị Phan Thị Thắng (Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh) ngậm ngùi vốc cát cho vào lọ. Chị kể, ba chị từng bị đày ra Côn Ðảo 18 năm, giờ chị lấy cát Trường Sa về đặt vào bát hương trên bàn thờ ba. Và một bài thơ ra đời ngay tại Trường Sa, sau đó vượt biển về đất liền để kịp đăng trên báo. Bài thơ có tựa đề "Từ Côn Ðảo đến Trường Sa", như sau: Con đến Trường Sa vốc ngụm cát vàng/Ðặt vào bát hương tưởng nhớ dáng hình cha/Ôi Việt Nam, mấy ngàn năm vẫn thế!/Triệu người nằm xuống cho đất nước vươn xa/Mẹ kể chuyện xưa, cha bị đày Côn Ðảo/Mười tám năm ngục tù, cha vẫn hiên ngang/Nay ra Ðá Tây, con viếng mồ liệt sĩ/Tóc các anh xanh, mà cỏ... đã lên xanh!/Con đã đến nơi con chưa từng đến/Nước mắt rơi bên biển đảo phong ba/Bởi máu cha từng rơi nơi Chuồng Cọp/Và máu các anh hòa nước biển Gạc Ma/Con đã đến ngôi chùa trên Nam Yết/Dâng tuần hương và ngẫm chuyện bâng khuâng:/Những người trai ngạo đời, đạp sóng/ Ðể hôm nay Tổ quốc ngút ngàn xuân!
Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh chiến sĩ Nguyễn Duy Thanh (quê Hà Nội) cặm cụi viết thư gửi đến người yêu cho kịp chuyến tàu. Với các anh, những người đã ngã xuống hay đang dõi mắt nhìn biển xa, cụm từ "gửi thư cho người yêu" thật vô cùng ý nghĩa, dù cho có những liệt sĩ chưa từng biết mùi vị một nụ hôn. Nguyễn Duy Thanh bảo đã xác định ra Trường Sa, là sẵn sàng hy sinh tất cả, để đất liền bình yên. Còi tàu KN781 đã rúc lên ba hồi dài, báo hiệu giờ rời bến. Và tôi - từ Trường Sa - đã viết vội những dòng thư chân thật, nói những gì cần nói, gửi cho một người cần gửi, thế là hạnh phúc!
DƯƠNG MINH ANH
Theo nhandan.com.vn