Cập nhật: 05/08/2015 10:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Biển Đông là một trong những vấn đề nóng được đưa ra thảo luận trong Diễn đàn An ninh châu Á và các hội nghị ASEAN, tổ chức tại Malaysia

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN nhất trí đưa vấn đề Biển Đông

 vào nội dung bàn thảo tại Diễn đàn An ninh (Ảnh AFP)

Mới đây, các nhà ngoại giao Đông Nam Á đã kêu gọi Trung Quốc tham gia thảo luận về vấn đề xây dựng đảo trái phép gây nhiều tranh cãi của nước này tại cuộc hội đàm an ninh khu vực, trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia.

AFP cho biết, Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á đã theo dõi với mối quan ngại sâu sắc các hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép của Bắc Kinh các đảo đá nhân tạo trên Biển Đông trong thời gian gần đây.

Cộng đồng muốn thảo luận, Trung Quốc chối từ

Biển Đông là một trong các vấn đề nóng được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) khai mạc hôm thứ Ba 4/8.

Nhưng Trung Quốc, khi tham dự các cuộc họp bên lề, đã khẳng định nước này sẽ không tham gia thảo luận về những tranh chấp lãnh thổ trong thời gian diễn ra Hội nghịTthượng đỉnh ASEAN.

"Chúng tôi thấy Trung Quốc không hề ngừng lại các hoạt động đơn phương và hung hăng trên Biển Đông", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với những người đồng cấp ASEAN trong cuộc họp buổi chiều 4/8.

Ngoại trưởng Philippines cũng lên án những động thái của Trung Quốc mà ông mô tả là "hoạt động cải tạo với quy mô lớn" và nói rằng, việc Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông đã "phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định khu vực".

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh không muốn đề cập vấn đề Biển Đông tại các hội nghị ở Kuala Lumpur.

"Trung Quốc chưa bao giờ tin rằng các diễn đàn đa phương là nơi thích hợp để thảo luận các tranh chấp song phương", Ông Vương Nghị nói với các phóng viên tại Singapore vào hôm thứ Hai 3/8 trước khi bay đến Malaysia.

Ông Vương Nghị còn khăng khăng nói rằng, Trung Quốc sẽ “không cúi đầu” trước áp lực của cộng đồng quốc tế yêu cầu nước này phải dừng các hoạt động cải tạo đảo.

Tuy nhiên các quan chức Mỹ và các nước Đông Nam Á nhấn mạnh rằng các tranh chấp trên Biển Đông cần phải được đưa ra thảo luận.

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói: "ASEAN có thể và nên đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông”.

"Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này một cách hòa bình và hợp tác. Chúng ta đã có một khởi đầu tích cực nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa".

Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải trọng yếu trong khu vực và là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn. Nước này cũng luôn từ chối đưa vấn đề ra các cuộc thảo luận hoặc diễn đàn quốc tế.

Căng thẳng giữa các bên báo hiệu sẽ tiếp tục leo thang, khi một trung tâm nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Washington cho biết trong tuần này Bắc Kinh có thể chuẩn bị xây dựng thêm một đường băng thứ hai trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này mới bồi đắp một cách phi pháp..

Bồi đắp phi pháp đảo đá không thể “biến thành của riêng”

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển được các nước ký kết năm 1982 quy định, các đảo đá nhân tạo không đủ điều kiện như “hòn đảo”, được bồi đắp tự nhiên có nước bao quanh và trồi lên mặt nước khi thủy triều xuống thấp. Do vậy “chủ nhân” của các đảo nhân tạo này không được hưởng bất cứ quyền gì đối với vùng biển xung quanh.

Báo Mỹ Politico, chuyên trang về chính trị, ngày 31/7 có bài viết, phân tích về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, một số nhà lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng, Mỹ phải tỏ cho Trung Quốc thấy thái độ không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bằng việc cho các chiến hạm Mỹ tiến sâu vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mới được Trung Quốc bồi đắp trái phép.

Nếu Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra như vậy ở Biển Đông sẽ là một tín hiệu gửi đến Trung Quốc và các nước trong khu vực rằng, các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nếu không làm vậy, Mỹ đã mặc nhiên chấp nhận các động thái gây bất ổn của Trung Quốc, những động thái khiến cho các đồng minh hay đối tác của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam hết sức lo ngại.

Đây cũng là lập trường của Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, người ủng hộ tích cực việc phái tàu chiến tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép.

Đồng lòng nhất trí - sức mạnh của ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Theo Thời báo Manila (Manila Times) ngày 2/8, Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ chấm dứt các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông nếu tất cả các thành viên ASEAN và Nhật Bản cùng thống nhất lập trường chung phản đối những hành động của Bắc Kinh.

Đại tá Restitudo Padilla, người phát ngôn của Lực lượng vũ trang Philippines nhấn mạnh: Toàn bộ châu Á nói chung, hoặc ASEAN nói riêng, sẽ là một tiếng nói mạnh mẽ. Nếu các nước ASEAN đoàn kết cùng nhau, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.

Tiến sĩ Kamarulazizi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bền vững toàn cầu, thuộc Đại học Sains Malaysia (USM), cho rằng, các nước thành viên ASEAN, với dân số khoảng 600 triệu người, cần ngồi lại với nhau và thảo luận về các tuyên bố chủ quyền, không chỉ là những vấn đề ảnh hưởng tới an ninh biên giới, mà còn cả các hoạt động kinh tế như đánh bắt thủy hải sản, các tuyến đường giao thương trên biển cũng như an ninh trong khu vực.

Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.000 mét (10.000 feet) trên Bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đường băng này được các chuyên gia quốc tế nhận định rằng có thể được sử dụng với mục đích quân sự, nhằm củng cố vị thế và những tuyên bố chủ quyền của nước này đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông sẽ còn tiếp tục “dậy sóng” trong các cuộc thảo luận trong những ngày sắp tới tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), với tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngoại trưởng Trung Quốc Vương nghị và các nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản, hai miền Triều Tiên, Nga và một số nước khác./.

Theo Bích Đào/VOV.VN

 

Tệp đính kèm