Cập nhật: 06/08/2015 09:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thông tin về việc xây dựng tượng đài Bác Hồ tại Sơn La đã rõ ràng hơn sau những phát ngôn chính thức của UBND tỉnh này và lãnh đạo Bộ quản lý chuyên ngành.

Bà Mai Thu Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La;ông Nguyễn Quốc Khánh,

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp báo về việc xây dựng tượng đài Bác Hồ.

Những ngày qua, báo chí đưa tin HĐND tỉnh Sơn La vừa ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất và gây bức xúc là khoản kinh phí được cho là lên tới 1.400 tỷ đồng.

Có nhiều ý kiến khác nhau trước thông tin trên. Đa số đều khẳng định việc dựng tượng Bác Hồ nhằm bày tỏ sự tôn kính, tình cảm biết ơn sâu sắc của người dân, đồng bào dân tộc Tây Bắc là cần thiết. Song nhiều ý kiến cũng cho rằng Sơn La còn là một tỉnh nghèo, số tiền như vậy là quá lớn, gây lãng phí.

Mọi chuyện chỉ được sáng tỏ khi lãnh đạo tỉnh Sơn La chính thức lên tiếng. Tại buổi họp báo chính thức chiều 5/8, lãnh đạo tỉnh này khẳng định không có chuyện xây dựng tượng đài trị giá 1.400 tỷ đồng. Tổng số tiền 1.400 tỷ trong đề án nhắc tới bao gồm việc xây dựng một loạt công trình, mà tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ với mức kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.

Gần như cùng lúc, Thứ trưởng Bộ VHTTL Vương Duy Biên khi trả lời báo chí cũng cho biết từ nhiều năm nay, rất nhiều nơi đều muốn xây dựng tượng đài Bác. Vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quy định chỉ nơi nào được Ban Bí thư đồng ý thì mới được xây dựng. Về mặt quản lý nhà nước thì tượng đài phải nằm trong quy hoạch.

Hiện, Bộ VHTTDL đang hoàn thiện quy hoạch tượng đài Bác Hồ đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ. Do quy hoạch mới này chưa được trình nên căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ VHTTDL trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch cho một số nơi như Gia Lai, Tuyên Quang và gần đây nhất là Sơn La.

Ngay trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch cũng đã đưa ra quan điểm rất rõ: Không xây dựng tràn lan, hạn chế việc xây dựng tượng đài có quy mô quá lớn, không phù hợp với tư tưởng, tình cảm, đạo đức của Bác Hồ, không phù hợp với không gian, cảnh quan nơi đặt tượng, gây lãng phí, tốn kém không cần thiết.

Rõ ràng, việc xây dựng các tượng đài Bác ngay cả ở những nơi cần thiết thì cũng phải tính đến hàng loạt yếu tố khác như kinh phí, chất lượng… Ý kiến của Ban Bí thư, quy hoạch của Chính phủ hay thẩm định của Bộ VHTTDL đều nhằm quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình này. Và ngay cả khi tượng đài được quy hoạch, được chấp thuận thì cũng không có nghĩa là cấp có thẩm quyền đồng ý với dự án và con số 1.400 tỷ đồng, như khẳng định của Thứ trưởng Vương Duy Biên.

Như vậy, nếu đúng như thông tin tỉnh Sơn La cung cấp thì vấn đề về cơ bản đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, dễ hiểu vì sao dư luận vẫn "bán tín bán nghi" và điều này càng cho thấy rằng, từ câu chuyện có thể rút ra không ít bài học.

Trước hết, như lời của Chủ tịch tỉnh Sơn La, lẽ ra báo chí cần liên lạc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Rõ ràng, việc thiếu thông tin trực tiếp từ lãnh đạo tỉnh đã khiến báo chí không có được thông tin chính xác nhất, từ kinh phí xây dựng tượng đài cho đến quan điểm của cấp có thẩm quyền khi cho phép Sơn La xây dựng. Sự việc chỉ có thể được nhìn nhận một cách đúng đắn nếu dư luận và người dân nhận được những thông tin, số liệu chính xác.

Ở phía còn lại, có thể thấy tỉnh Sơn La đã có phản ứng khá nhanh chóng trước "sự cố truyền thông" này. Dù những thông tin mà Sơn La đưa ra có thể còn chưa thật đầy đủ, chưa làm thỏa mãn hoàn toàn dư luận, vụ việc có thể chưa phải đã khép lại ngay, song im lặng hoặc chậm trễ cung cấp thông tin nhất định là một lựa chọn sai lầm. Chủ động đối thoại, cung cấp thông tin cho báo chí luôn hết sức cần thiết.

Cũng phải nói rằng trong cuộc sống luôn luôn có những vấn đề chưa ổn. Điều đáng mừng là sự lên tiếng của báo chí và câu trả lời của những người có thẩm quyền trong trường hợp này đã chứng tỏ rằng những vấn đề chưa ổn ấy sẽ được mổ xẻ, đưa ra ánh sáng công luận như một trong những biện pháp giám sát hiệu quả.

Và suy cho cùng, uy tín của báo chí cũng như các cấp chính quyền đều phụ thuộc rất nhiều vào những thông tin tin cậy, kịp thời. Người dân - người đọc sẽ đưa ra những thẩm định công bằng và chính xác.

Hà Chính

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm