Cập nhật: 12/08/2015 09:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Là con gái út trong một gia đình buôn bán ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Thảo đã cùng hai chị gái của mình sớm được giác ngộ lý tưởng Cộng sản.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo cùng anh hùng La Văn Cầu.

70 năm đã trôi qua nhưng không khí sôi nổi, hào hùng của những ngày Cách mạng Tháng 8 vẫn còn in đậm trong trí nhớ mỗi người dân Hà Nội. Với bà Nguyễn Thị Bích Thảo - nguyên hội viên Hội phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu, đó là những kỷ niệm không thể nào quên.

Là con gái út trong một gia đình buôn bán ở phố Chợ Gạo, Đồng Xuân, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Thảo đã cùng hai chị gái của mình sớm được giác ngộ lý tưởng Cộng sản qua người anh cả - cố nhà văn Như Phong - Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1936 và bạn bè của ông thời đó.

Bà bảo, ngày đó bố mẹ quan niệm con gái chỉ cần làm nội trợ, không cần học cao làm gì. Vì thế mà các cụ không mấy khi cho bà ra đường, đi đâu cũng phải có người đi kèm. Nhưng khi biết bà cùng các chị tham gia hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu, các cụ chẳng một lời phản đối.

Bà Thảo cho biết: “Tôi là con gái gốc Hà Nội ở chợ Đồng Xuân, gia đình tôi vốn có truyền thống cách mạng. Cha mẹ tôi nhiều năm nuôi giấu cán bộ cách mạng, thế nên khi chúng tôi theo cách mạng cha mẹ ủng hộ lắm.”

Bà Thảo vẫn nhớ những tháng ngày cơ cực năm 1945. Chứng kiến cảnh người dân chết đói la liệt trên đường phố do sự vơ vét của lính Pháp, rồi lính Nhật, ý chí cách mạng càng thêm sôi sục. Bà cùng gia đình nấu những nồi cháo cứu đói cho dân, nhiệt tình tham gia hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu. Bà được giao rải truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng, kêu gọi binh lính Pháp phản chiến ở các phố Cửa Đông, Đường Thành, vận động chị em tiểu thương chợ Đồng Xuân bãi thị, tham gia các cuộc biểu tình.

Một tối đầu tháng 8, anh cả Như Phong về nhà thông báo cho bà cùng 2 người chị gái: “Cách mạng sắp thành công rồi! Các em may cờ đỏ sao vàng 5 cánh và cờ đỏ búa liềm chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa”.

Lúc đó 3 chị em gái vừa tự hào vì được giao may cờ cho khởi nghĩa, vừa lo lắng hồi hộp. Nhưng nhờ có mẫu cờ và sự hướng dẫn tỉ mỉ của anh trai nên mỗi người một việc, người đi chợ này mua vải đỏ, người đi chợ kia mua vải vàng, mỗi chợ một màu với số lượng nhỏ để tránh sự kiểm soát của quân Nhật.

Được làm quốc kỳ cho ngày Tổng khởi nghĩa là niềm tự hào lớn nhất của tôi. Trong suốt cuộc đời mình, tôi rất hãnh diện khi đã có những đóng góp ngay từ ngày đầu Tổng khởi nghĩa và sau này là trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Những ngày sau đó, cứ đêm đến, ba chị em bà lại đóng chặt cửa, thắp nến ngồi khâu tay suốt đêm để hoàn thành hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng phục vụ cho cách mạng.

Ngày tổng khởi nghĩa 19/8/1945, cả 3 chị em bà Thảo như chim sổ lồng, cùng với hàng vạn người dân Thủ đô xuống đường biểu tình, đấu tranh giành chính quyền, làm chủ các cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn. Thật hạnh phúc khi được ngắm nhìn những là cờ do mình may đang tung bay trên nóc phố Thủ đô trong những ngày khởi nghĩa, bà Thảo càng hăng say lao vào hoạt động cách mạng, vận động nhân dân ủng hộ chính quyền mới. Gia đình bà đóng góp mấy cân vàng vào quỹ Độc lập trong Tuần lễ vàng.

Bà Đỗ Thị Bích Dung, con gái bà Nguyễn Thị Bích Thảo xúc động khi nói về truyền thống gia đình: Anh trai bà là nhà văn Như Phong, và bản thân ông bà ngoại bà chính là người nuôi giấu ông Trường Chinh. Chuẩn bị cho 19 tháng 8 thì 3 chị em gái của bà được giao nhiệm vụ may ba trăm lá cờ. May giấu thôi. Trong ngày đó thì phụ nữ của thành Hà Nội nói chung và các tiểu khu nói riêng, mỗi một người và mỗi một khu phố thì người nào vào việc ấy làm công tác phụ vận.

70 mùa thu đã qua, người con gái may cờ ngày đó, giờ đã ngoài 90 tuổi. Tóc đã bạc, lưng đã còng, nhưng đôi mắt bà như vẫn ngời sáng mỗi khi nghe nhắc đến những năm tháng hào hùng của dân tộc. Và cứ độ thu về, căn nhà nhỏ của bà Thảo lại rộn vang tiếng cười, tiếng nói của những người đồng chí ngày xưa và cả những lớp cháu con đến thăm để cùng bà ôn lại những kỷ niệm một thời cống hiến nhiệt huyết tuổi thanh xuân cho Cách mạng./.

Theo Ngọc Ngà/VOV.VN - Trung tâm Tin

Tệp đính kèm