Bác nói: Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường
Trụ sở Đài TNVN hiện nay
Ở tuổi chín mươi người ta thường bị lẫn, nói trước quên sau, nhưng bà Trần Thị Ý, phu nhân cố Tổng biên tập Trần Lâm thì minh mẫn lạ thường. Bà nhớ kỹ từng ngày tháng, công việc của gần 70 năm trước. Sinh thời, vào những ngày cuối đời ông Trần Lâm thường quên nhiều hơn là nhớ, bà Ý phải nhắc lại từng việc, kể tên từng người trong cơ quan, trong gia đình cho ông hay. Ông hồn nhiên: “Thế à? Vậy mà tôi quên khuấy đi mất.” Có lần tôi hỏi ông Trần Lâm về những ngày đầu Đài từ Việt Bắc trở lại Hà Nội, ông chỉ tay sang bà Ý đang pha chè: “Cái này phải hỏi bà ấy.”
Bà Trần Thị Ý kể, giọng bà vẫn trong trẻo của người con gái Hàng Đào, như một thời là phát thanh viên Vân Yến chuyên đọc bút ký trong mục “Tổ quốc ta tươi đẹp” trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
“Tháng 10 năm 1954, Hà Nội đã có những cơn mưa rả rích, nhưng chị em chúng tôi vẫn đầu trần ra phố để hưởng cái không khí thủ dô sau tám năm xa cách. Anh Lâm thì lúc ấy bận túi bụi, không thửa gì đến việc nhà. Cũng may là những ngày đầu về 56 - 58 Quán Sứ, mấy gia đình ở chung nơi làm việc nên cũng tiện trông các cháu nhỏ .
Khoảng ba tháng sau khi về Hà Nội, đầu năm 1955, Bác Hồ đến thăm nơi ở và làm việc của Đài.
Bác đến bất ngờ quá, khoảng 5 giờ chiều nên mọi người đã rời phòng làm việc.
Bác vào thẳng căn nhà hầm, nơi vợ chồng tôi và các cháu đang ở. (Sau này là phòng hành chính văn thư của Đài) Thấy bé trai đang nằm khóc trên giường, Bác vỗ về rất khéo, cháu nín ngay. Tôi và anh Lâm đang ở sau nhà vội chạy vào đón Bác. Bác liền hỏi: “Mẹ cháu đâu mà để cháu khóc thế này?” Bác bảo lấy màn mắc cho cháu, khỏi muỗi đốt. Bất ngờ và xúc động quá tôi chẳng biết nói gì, chỉ ôm con vào lòng.
Anh Trần Lâm đưa Bác đi thăm các khu nhà, các phòng làm việc và dặn anh chị em tập trung ở phòng làm việc rộng nhất ở tầng hai để đón Bác (sau này là phòng làm việc một thời của Ban Văn nghệ, sau nữa là phòng họp giao ban của Đài). Khoảng ba chục cán bộ, nhân viên của Đài ở 56 - 58 Quán Sứ được đón Bác. Anh chị em ở ngoài không đến kịp, tiếc ngơ ngẩn.
Vào câu chuyện, Bác khen Đài nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, bảo đảm công việc cho làn sóng đài Quốc gia phát liên tục. Bác khen ngợi Đài Tiếng nói Việt Nam trong kháng chiến đã vượt qua nhiều khó khăn thiếu thốn, nhiều hy sinh để giữ vững làn sóng trong mọi tình huống. Bây giờ hòa bình rồi, điều kiện tốt hơn thì phải làm việc tốt hơn. Bác căn dặn: “Bây giờ kháng chiến đã thành công, nhưng mới giành được độc lập tự do cho nửa nước.Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường.”
Bác nhắc nhở: “Các cô các chú phải luôn luôn nhớ mình làm báo nói, chứ không phải là báo in trên giấy trắng mực đen. Báo nói hay báo viết thì cũng phải luôn luôn đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết nhằm mục đích gì? Viết về cái gì? Và viết như thế nào? Làm báo nói thì phải chú ý viết thế nào, nói như thế nào để người nghe thoáng qua tai hiểu được đúng điều mình muốn truyền đạt, làm sao cho người nghe dễ nhớ, dễ làm theo. Nếu dùng từ ngữ cầu kỳ, khó hiểu thì người nghe không thể dừng lại để suy ngẫm, tìm hiểu.. Nếu dừng lại thì mất đoạn sau. Viết để nói cho người ta nghe khác với viết cho người ta đọc trên giấy trắng mực đen. Phải hết sức tránh viết bài quá dài, câu quá dài, giây cà, giây muống. Muốn vậy các cô các chú phải cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, nâng cao trình độ về mọi mặt. Trước đây tuyên truyền kháng chiến đã khó, nay tuyên truyền xây dựng kinh tế trong điều kiện hòa bình ở Miền Bắc, đồng thời đấu tranh buộc địch phải thực hiện hiệp định Giơ ne vơ lại càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều.”
Bác nhìn khắp lượt, thấy trong phòng có anh Tarago, một quan chức người Pháp phản chiến, chạy sang hàng ngũ Việt Minh và được cử về làm biên dịch và viết bình luận cho chương trình phát thanh tiếng Pháp của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bác khen ngợi tinh thần đoàn kết quốc tế và căn dặn anh chị em trong đài và Tarago phải đoàn kết, thương yêu nhau, khi nào có điều kiện thì sẵn sàng cho bạn về nước.
Có lần tôi hỏi đứa bé trai ngày ấy được Bác vỗ về là ai, bà Trần Thị Ý cảm động: “Là thằng Trần Điện Biên con thứ hai của tôi, lúc ấy chưa đầy một tuổi”./.
Theo Vĩnh Trà/VOV.VN