Di tích này đã trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn, để mỗi người có dịp hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập.
Chiếc bàn Bác ngồi soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và được bạn bè quốc tế biết đến, bởi đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau 70 năm, ngôi nhà và những kỷ vật gắn liền với Bác trong những ngày Người sống và làm việc tại nơi đây vẫn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng gìn giữ, phát huy để xứng đáng là di tích lịch sử thiêng liêng, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.
Những ngày này, trong không khí sôi nổi kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngôi nhà 48 Hàng Ngang, khu phố cổ Hà Nội được rất nhiều khách du khách đến tham quan. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở từ ngày 25/8 đến 2/9/1945 và viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tại phòng khách lớn tầng 2 của ngôi nhà, trong những ngày Bác ở đây được sử dụng làm nơi tiếp khách, hiện vẫn còn giữ nguyên một chiếc bàn dài, 4 ghế sopha và 4 cái đôn, tủ đựng cốc chén và một ghế sopha dài đặt sát cửa. Căn phòng nhỏ kế tiếp có đặt chiếc bàn làm việc của Bác, một tủ đựng tài liệu và giường vải Người dùng để nằm nghỉ.
Anh Đỗ Tuấn Anh, một khách tham quan chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất xúc động, vì từ địa điểm này, toàn bộ những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được Người khởi thảo và thành văn.
Sau 70 năm, Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo tại ngôi nhà này vẫn còn nguyên giá trị. Những giá trị đó còn trường tồn mãi với sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Tôi đến nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc để có thể học tập và biết được những khó khăn gian khổ của Người và đó cũng là những bài học lớn cho tôi trong sự nghiệp của mình”.
70 năm về trước tại ngôi nhà này, ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, chủ nhân ngôi nhà đã dành một phòng làm nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng thông qua ba nội dung: Tuyên ngôn độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ lâm thời. Bên chiếc bàn vuông nhỏ bọc nỉ xanh kê gần đó, Người đã hoàn thành những dòng cuối cùng của bản Tuyên ngôn độc lập.
Là một trong những người thuộc lớp trẻ của thủ đô đến thăm ngôi nhà lịch sử, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bí thư Chi đoàn Bảo tàng Hồ Chí Minh xúc động: “Khi đến đây chúng tôi hiểu thêm rất nhiều về bối cảnh ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và hơn nữa hiểu thêm rằng đất nước Việt Nam có được ngày hôm nay là do có sự đóng góp rất là nhiều của các tầng lớp, trong đó có các tầng lớp tiểu tư sản trước đây, đặc biệt là ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Và ngôi nhà này không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một minh chứng của lòng yêu nước của nhiều tầng lớp dân tộc Việt Nam góp chung tay vào xây dựng cho Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Mỗi lần về lại ngôi nhà xưa, ông Trịnh Kiến Quốc, con trai cụ Trịnh Văn Bô, chủ nhân cũ của ngôi nhà lại trào dâng niềm tự hào, xúc động. Ông cho biết: Không chỉ là nơi ra đời Bản Tuyên ngôn độc lập, ngôi nhà 48 Hàng Ngang còn gắn với sự kiện lịch sử là nơi gia đình ông được nhận nhiệm vụ quan trọng chuẩn bị quần áo cho Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng trong ngày Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945.
“Chúng tôi luôn tự hào vì từ một gia đình tư sản được giác ngộ cách mạng, tham gia Việt Minh, đó là một niềm kiêu hãnh. Bởi vì, tại Hà Nội có 36 phố phường có rất nhiều gia đình giàu có, nhưng Thường vụ Trung ương Đảng vẫn chọn nhà tôi làm nơi hoạt động, đấy là niềm tự hào vô cùng”, ông Quốc chia sẻ.
Cùng với việc lưu giữ nguyên trạng các hiện vật cũ, Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội vừa khai trương phòng trưng bày chuyên đề “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập”, với hơn 80 tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan, bổ sung thêm nhiều tư liệu, hiện vật quý được Bác sử dụng trong thời gian sống và làm việc tại nơi này như máy chữ Bác dùng soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập, bộ quần áo kaki Bác mặc trong ngày đọc Tuyên ngôn.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung rất nhiều tư liệu, hiện vật để phát huy giá trị của di tích 48 Hàng Ngang - nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập. Trong đó, có những hiện vật trực tiếp liên quan đến thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà này gồm có máy chữ, bộ quần áo kaki chúng tôi sưu tầm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hồ Chí Minh và rất nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến thời kỳ lịch sử đó. Chúng tôi có một bộ phận thuyết minh hướng dẫn giới thiệu nội dung chuyên đề cũng như giá trị của di tích tới khách tham quan”.
Với ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, năm 1970, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được khôi phục làm nhà lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Mấy mươi năm qua, di tích này đã trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn đối với du khách để mỗi người có dịp hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa./.
Theo Hồng Bắc/VOV.VN - Trung tâm Tin