Cập nhật: 10/09/2015 09:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chất lượng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT còn rất thấp; tăng mức đóng BHYT nhưng chất lượng dịch vụ lại không tăng…

Thông báo về mức đóng BHYT của một trường ở Hà Nội

Lẽ thường, bất kỳ một loại giá cả, dịch vụ gì tăng thì người tiêu dùng đều không vui. Nhưng trong cơ chế thị trường, người ta đã chấp nhận một sự rất phòng phẳng “tiền nào vải ấy”. Có nghĩa, muốn sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao hơn thì sẽ phải trả tiền cao hơn.

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên bất ngờ tăng ngay trong những ngày đầu năm học mới đã khiến nhiều cha mẹ học sinh bất bình. Dường như khoản thu này đã khiến các bậc phụ huynh quên hẳn các khoản đóng góp khác mà các năm học trước vẫn làm nóng dư luận xã hội. Vì sao, một khoản đóng cho chính quyền lợi của con em mình mà lại bị các bậc phụ huynh phản ứng dữ dội như vậy? Ở đây, cần nhìn nhận rõ, họ phản ứng không phải là phản đối mà phản ứng để thấy được cái gì hợp lý, cái gì bất hợp lý để điều chỉnh.

Thứ nhất: Ai cũng thấy, lâu nay mua BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng nhưng rất ít người sử dụng. Bởi lẽ, việc bán BHYT cho các đối tượng lại được cố định nơi khám chữa bệnh. Ví dụ, người A ở quận Ba Đình thì chỉ được mua BHYT ở một số bệnh viện, phòng khám nhất định trên địa bàn. Cách làm này theo lý giải là để tránh quá tải cho một số bệnh viện tuyến trên. Thế nhưng, chất lượng khám chữa bệnh ban đầu ở những nơi được chỉ định khám BHYT lại không đáng tin cậy nên nhiều người mua BHYT cho con em mình rồi vẫn coi như không có tấm thẻ ấy, chọn khám dịch vụ ở những phòng khám, bệnh viện có uy tín. Khi đi khám trái tuyến, nếu chìa tấm thẻ bảo hiểm y tế ra thì được hướng dẫn phải photo giấy tờ, làm các thủ tục “loằng ngoằng” khiến người bệnh, người nhà bệnh nhân trong lúc ốm đau chỉ muốn “bỏ quách” đi rồi trả tiền dịch vụ cho nhanh. Hoặc nhiều khi người bệnh đi khám bệnh do bệnh viện gần nhà hay người già, trẻ nhỏ trong lúc ốm đau thì không thể đi xa... đành phải khám trái tuyến nhưng thủ tục rườm rà khiến họ không muốn dùng thẻ bảo hiểm. Những bất cập này trong thực tế đã không được xử lý linh động mà chỉ gây sự bức bối, khó chịu cho bệnh nhân.

Thứ hai, nếu theo qui luật thị trường, giá cả dịch vụ tăng thì tương ứng với đó chất lượng dịch vụ phải tăng theo. Thế nhưng, với chất lượng khám chữa bệnh như đã nói ở phần trên mà Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lại tăng giá một cách cơ học mà không chứng minh cho xã hội thấy rằng mình đã cải thiện được gì trong chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ đối với các bệnh nhân có BHYT. Đương nhiên những người mua BHYT sẽ so đo, rõ ràng mình mất một khoản tiền trước đó để có tấm thẻ nhưng khi vào bệnh viện lại không dám “thò ra” vì sợ bị đối đãi không công bằng, sợ là bệnh nhân có BHYT thì chỉ được khám qua loa, kê toa thuốc rẻ tiền…

BHYT học sinh, sinh viên là bắt buộc nhưng nếu dịch vụ BHYT mà tốt thì chẳng bắt họ cũng mua.

Thứ ba, theo Bộ Y tế, “mua BHYT là sự chia sẻ trong cộng đồng cũng như sự công bằng giữa các đối tượng. Người mua BHYT không sử dụng đến nó thì đang có biết bao nhiêu người khác đang ốm đau và thật sự phải sử dụng nó. Đây là điều mang tính nhân văn rất cao cả, tính xã hội rất lớn”. Ai cũng biết là như vậy, nhưng vẫn phải quay về lý do đầu tiên, một người bỏ tiền ra mua BHYT thì điều đầu tiên họ nghĩ tới phải là quyền lợi của họ, tiếp đó mới đến trách nhiệm với cộng đồng. Ngành y tế, với việc đảm bảo quyền lợi cho chính chủ thẻ còn chưa tốt thì sao thay mặt họ làm tốt trách nhiệm với cộng đồng được?

Thứ tư, cách quản lý quỹ BHYT còn nhiều vấn đề chưa minh bạch, không tạo được niềm tin trong cộng đồng. Tại văn bản số 1565 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi các đơn vị ngày 6/8/2015 về việc hướng dẫn bổ sung bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên ngoài việc quy định tăng mức bảo hiểm còn ghi rõ hai mức trích phần trăm lại cho các trường học. Trong đó, một mức trích là 7% tổng thu quỹ bảo hiểm y tế tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học. Ngoài ra, trong văn bản này cũng ghi rõ mức trích 4% cho “hoa hồng đại lý” nhân với tổng số tiền thực thu của học sinh, sinh viên. Có nghĩa là, trường thu được bao nhiêu học sinh, đơn vị bảo hiểm sẽ trích lại 4% từ mức thu đó.

Thế nhưng khoản tiền trích lại được sử dụng như thế nào không ai biết. Các cơ quan quản lý nói rằng mức 7% để lại trường phục vụ cho khám chữa bệnh ban đầu. Nhưng xem ra thì khoản tiền này chưa sử dụng hiệu quả, đơn cử ví dụ đơn giản nhất là nhà vệ sinh ở các nhà trường hiện nay “vô cùng bẩn”.

Thứ năm, ngành BHXH, y tế cũng chưa có cách làm hoặc giải thích thỏa đáng cho băn khoăn có chồng chéo hay không khi mà chúng ta đang khuyến khích mua BHYT theo hộ gia đình, nhiều gia đình mua BHYT cho con theo gói... Thậm chí, chưa kể đến hàng nghìn học sinh vừa thi đỗ đại học, cao đẳng đã mua BHYT đến ngày 31/12/2015, nay vào Đại học nhà trường lại bắt buộc mua BHYT 15 tháng - từ 01/10/2015 đến 31/12/2016 với số tiền 545.000 đồng. Với cách thu hiện nay có hợp lí không?

Còn nhớ, chỉ cách nay vài tháng chúng ta đã phải điều chỉnh việc thực hiện chi trả chế độ BHXH do sự phản ứng của người lao động. Mục tiêu chính sách đặt ra đối với người đóng BHXH là tính đến lợi ích an sinh lâu dài cho người lao động nhưng cách làm chưa phù hợp thì phải điều chỉnh. Trong trường hợp thu BHYT học sinh, sinh viên cũng không ngoại lệ./.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Tệp đính kèm