Cuốn sách "50 câu hỏi – đáp về Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam" vừa được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành nhằm cung cấp kiến thức cơ bản, thiết thực nhất về Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc và Luật Biển Việt Nam.
Biển và đại dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học công nghệ cho phép con người ngày càng vươn xa hơn trong việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên từ biển cả. Và để tạo hành lang pháp lý cho các quốc gia ven biển thì một văn bản pháp lý quốc tế quy định các hoạt động trên biển và đại dương của các quốc gia phù hợp với xu thế phát triển chung và lợi ích lâu dài của cộng đồng quốc tế; đồng thời duy trì an ninh, trật tự, môi trường trên biển là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Bìa cuốn sách (Ảnh: mic.gov.vn)
Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc đã được thông qua ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên tham gia ký kết. Công ước Luật Biển đã được nội luật hóa vào pháp luật Việt Nam bằng việc ban hành Luật Biển Việt Nam vào ngày 21/6/2012, thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Đây là một bằng chứng sống động thể hiện sự cam kết thực tế của Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Công ước Luật Biển quốc tế năm 1982 cũng như Luật Biển Việt Nam năm 2012, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học biên soạn và giao cho Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách "50 câu hỏi - đáp về Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam".
Bằng hình thức hỏi - đáp ngắn gọn, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản nhất, thiết thực nhất về Luật Biển 1982 nói chung và Luật Biển Việt Nam nói riêng.
Cuốn sách ra mắt góp phần nâng cao nhận thức cho độc giả về vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam