Với lộ trình phát triển trở thành đô thị sinh thái biển thông minh, hiện đại, những năm gần đây, huyện đảo tiền tiêu Cô Tô (Quảng Ninh) đang dần "thay da, đổi thịt."
Một góc thị trấn Cô Tô. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Diện mạo Cô Tô được thay đổi theo hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất dần đồng bộ. Những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên ngày một nhiều, kinh tế người dân phát triển. Huyện đảo tiền tiêu đang chuyển mình hòa nhịp cùng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cô Tô, 5 năm qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả: nông thôn đã được phát triển theo quy hoạch; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; 100% cầu cảng, bến cảng được kiên cố hóa; các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường xóm đã được nhân dân chung sức xây dựng khang trang sạch đẹp; 100% trường học từ mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 100% số thôn có nhà văn hóa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; hệ thống nước thải được đầu tư hoàn chỉnh...
Hiện tại, huyện đã có 2/2 xã (Thanh Lân, Đồng Tiến) đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là huyện đầu tiên trong cả nước có các xã cơ bản hoàn thành nông thôn mới với việc đạt 19/19 tiêu chí đã đề ra và đang làm hồ sơ thẩm định để trình tỉnh Quảng Ninh và Chính phủ công nhận.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã đạt 35 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, nếu như năm 2010 toàn huyện còn 7,6% hộ nghèo thì đến nay đã giảm xuống còn 0,49%, dự kiến đến hết năm 2015 giảm còn 0,26%.
Để làm tốt được việc xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô, cho biết do công tác tuyên truyền được huyện thực hiện tốt nên nhận thức của người dân trên địa bàn đã thay đổi. Bà con đã có nhận thức đầy đủ về xây dựng nông thôn mới, xác định vai trò chủ thể chính là mình, tự mình xây dựng nông thôn mới trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước. Người dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại chuyển sang tích cực tham gia và chủ động đề xuất, góp công, góp của, trí tuệ để xây dựng nông thôn mới.
Ông Nam cho biết thêm việc Cô Tô hoàn thành sớm các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đã góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhân dân giúp chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đi đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm đạt 13,35%, văn hóa xã hội có bước phát triển mới, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, an ninh trật tự, quốc phòng được giữ vững.
Trong thời gian tới, huyện sẽ đề xuất với tỉnh và Trung ương để đảm nhận mô hình xây dựng nông thôn mới tiên tiến biển đảo đầu tiên trong nước.
Biển Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật quý như: ngọc trai, tôm rồng, cầu gai, bào ngư… và gần 1000 loài cá. Khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, có trữ lượng lớn, là đối tượng đánh bắt thường xuyên như: cá hồng, song, mú, thu, chim.
Hiện nay, Cô Tô có khoảng 2.000 lao động ngư nghiệp. Hằng năm huyện đảo đã tổ chức đánh bắt và nuôi trồng khối lượng thủy sản lớn cung cấp cho đất liền. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và đánh bắt hàng năm là 14.150 tấn.
Đặc biệt trong vài năm gần đây, huyện đảo có nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: các mô hình nuôi trồng thủy sản bãi triều, mặt nước, nhiều hộ gia đình có thu nhập 50-100 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm nhờ khai thác và chế biến sứa biển.
Xác định ngư nghiệp là một trong những nghề mũi nhọn để phát triển kinh tế, chính vì vậy, năm 2009, dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ được khởi công xây dựng tại Cô Tô với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Biển Đông - hải đảo, chương trình hỗ trợ mục tiêu đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.
Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động, giai đoạn 2 đang triển khai. Khu Trung tâm trong tương lai sẽ thúc đẩy kinh tế biển phát triển trên các lĩnh vực: khai thác, chế biến, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biển đảo Cô Tô.
Ngoài thế mạnh về ngư nghiệp, Cô Tô còn có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch, dịch vụ, đặc biệt là du lịch sinh thái. Nơi đây có nhiều rạn san hô đẹp, nước biển xanh trong với nhiều bãi tắm đẹp tự nhiên. Hiện nay, du lịch dịch vụ đang được huyện chú trọng đầu tư, phát triển.
Để ngư nghiệp truyền thống và ngành du lịch dịch vụ phát triển, Cô Tô đang kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư và khai thác dự án trong các lĩnh vực ngành nghề: chế biến hải sản; phát triển một số thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm thuỷ hải sản của Cô Tô; phát triển các dịch vụ phục vụ khai thác đánh bắt, chế biến hải sản và các dịch vụ du lịch biển đảo. Ngoài ra, doanh nghiệp và người dân sẽ được tạo mọi điều kiện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ để yên tâm phát triển, bám biển dài ngày.
Cô Tô những năm gần đây đã đạt được một số kết quả đáng mừng theo hướng phát triển bền vững như: kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao; xã hội ổn định. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục dạy nghề, y tế, phòng chống các tệ nạn xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt./.
Theo NGUYỄN HOÀNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/co-to-dang-tren-duong-tro-thanh-do-thi-sinh-thai-bien-thong-minh/346676.vnp